Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều thách thức trong chinh phục mục tiêu đào tạo 50 ngàn kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Hải Yến
16:03, 27/08/2024

(ĐN)- Sáng 27-8, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm Đối thoại giữa đại học và doanh nghiệp (DN) về phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao.

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Susan Burns phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.YẾN
Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Susan Burns phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.Yến

Tọa đàm thu hút nhiều DN công nghệ đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc và Việt Nam tham gia.

Đại diện Ngân hàng thế giới (WB), các DN và các trường đại học đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó tập trung vào các vấn đề: Chất lượng nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, mức độ đáp ứng của nhân lực được đào tạo so với nhu cầu của DN, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao, sự tham gia của DN vào quá trình đào tạo tại các trường đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Đánh giá chung của WB và đại diện các DN, nhân lực trẻ của Việt Nam có rất nhiều phẩm chất, ưu thế như thông minh, ham học hỏi, chăm chỉ…, tuy nhiên còn hạn chế về kỹ năng mềm (ngoại ngữ, giải quyết vấn đề, nghiên cứu).

Việt Nam đang trở thành nhân tố quan trọng trong xây dựng chuỗi cung ứng các lĩnh vực công nghệ cao, tuy nhiên cần nâng cao vai trò, sự tham gia của mình trong chuỗi cung ứng này, thay vì chỉ tham gia vào khâu lắp ráp, đóng gói, kiểm thử truyền thống như hiện nay.

Muốn như vậy, việc chuẩn bị về nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ cao cần phải được chú trọng, đó phải là một nguồn nhân lực đa dạng, bao trùm.

Các đại biểu tham gia tọa đàm nhận định, mục tiêu đào tạo được 50 ngàn kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong giai đoạn đến năm 2030 là một mục tiêu tham vọng và cần rất nhiều nỗ lực để đạt được. Quá trình đào tạo này rất cần sự tham gia của DN.

Đại diện các doanh nghiệp và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi các khó khăn, thách thức trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: H.YẾN

Các chuyên gia, DN đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo nhân lực công nghệ cao, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cho công tác đào tạo như: mở rộng quy mô đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực STEM, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo; cần có chương trình nâng cao tay nghề, kỹ năng cho các kỹ thuật viên để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế; đầu tư cho giáo dục đại học và trên đại học; cập nhật chương trình giảng dạy về công nghệ mới nổi nhưng vẫn cần duy trì chương trình cốt lõi như: thuật toán, an ninh mạng…; nhà trường cần hợp tác với DN để cung cấp các dự án thực tế, chương trình thực tập sinh cho sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế…

Theo Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, ĐHQG-HCM đã xác định 3 mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu gồm: Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, và Trí tuệ nhân tạo. Hình thành một số DN khởi nguồn, khởi nghiệp trong các lĩnh vực này.

Hải Yến

Tin xem nhiều