Trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (đóng tại huyện Trảng Bom) có 91 thí sinh dự thi thì cả 91 em đều đậu tốt nghiệp. Đây cũng là năm đầu tiên trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao như vậy.
Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sầm Thị Lệ Thanh chia sẻ: “Công tác ở trường đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có được một kỳ thi tốt nghiệp THPT với niềm vui trọn vẹn vì cả 91 em đều đậu tốt nghiệp. Đó không chỉ là nỗ lực học tập của chính các em sau 12 năm học vất vả mà còn là hạnh phúc của các thầy cô đã luôn tận tụy ân cần với các em trong hành trình dài”.
Ngôi trường giàu bản sắc
Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là nơi học tập của học sinh các dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nói về sự đa dạng thành phần dân tộc của học sinh trường, ban giám hiệu nhà trường cho hay, cả nước có 54 dân tộc anh em thì trường có tới học sinh của 32 dân tộc. Đông nhất là học sinh dân tộc Chơ-ro, Hoa, Tày, Nùng, Mạ, S'Tiêng. Sự đa dạng của học sinh đến từ nhiều dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nên một môi trường học tập rất giàu bản sắc.
Học sinh lớp 12 Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trong buổi lễ trưởng thành trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: LT |
Quá trình học tập của các em học sinh dân tộc tại đây luôn được tạo thuận lợi và chu đáo. Hàng tháng, các em được nhận 1,4 triệu đồng hỗ trợ từ trung ương và 400 ngàn đồng hỗ trợ từ UBND tỉnh. Do cơ sở vật chất đảm bảo nên các em được ăn, học nội trú tại trường. Bên cạnh đó, học lực của học sinh trường tương đối tốt, ý thức học tập rất chăm ngoan, không ít em còn có khả năng khá vượt trội nên giáo viên ở trường cũng thêm thuận lợi trong quá trình nâng cao chất lượng dạy và học.
Hiệu trưởng Sầm Thị Lệ Thanh chia sẻ thêm, ngay từ khi các em vào nhập học lớp, nhà trường đã giúp các em thích nghi với điều kiện học tập nhất là trong điều kiện phần lớn các em phải học xa nhà. Từ học tập cho đến sinh hoạt các em đều phải có tính tự lập cao, đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ nội quy của trường. Mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh cũng luôn được duy trì thường xuyên để cùng giáo dục các em một cách tốt nhất có thể.
Em Điểu Thành, học sinh dân tộc Chơ-ro chia sẻ: “Sau khi được chuyển từ huyện Xuân Lộc lên học ở đây, dù xa nhà nhưng điều kiện học tập và sinh hoạt ở trường khá tốt. Ban giám hiệu và các thầy cô luôn tận tụy và gần gũi với chúng em trong từng buổi học, lẫn cả chăm sóc đời sống tinh thần. Em biết ơn thầy cô đã dành mọi sự quan tâm để em có kiến thức, sự tự tin vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua".
Khổ luyện và thành quả
Chia sẻ về “bí quyết” về lần đầu tiên đạt được thành tích 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, ban giám hiệu nhà trường cho biết, những năm trước các em thường chỉ kết thúc khung thời gian năm học vào cuối tháng 5 là nhà trường cho về nhà tự ôn tập, trong khi đó từ cuối tháng 5 đến khi bước vào kỳ thi kéo dài cả hơn 1 tháng. Trong thời gian được về nhà tự ôn, có em thì tập trung ôn tập, có em thì nhiều việc nên cũng chểnh mảng, khiến kiến thức bị "rơi rụng".
Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sầm Thị Lệ Thanh: Thêm kinh nghiệm để củng cố chất lượng dạy và học
Những năm trước trường chỉ có tỷ lệ đậu tốt nghiệp khoảng 97-98% là cao. Năm nay, 100% học sinh đều tốt nghiệp nên trò vui một thì thầy cô vui mười. Qua đây cũng là bài học kinh nghiệm để năm sau và nhiều năm sau nữa nhà trường tiếp tục nỗ lực duy trì thành quả này.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thay đổi “chiến thuật", từ quá trình hoàn thành khung thời gian kế hoạch năm học cho đến ôn tập. Cụ thể là nhà trường đã chỉ đạo cho giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên các bộ môn dạy kiến thức mới đến đâu là phải giúp học sinh “đào sâu” đến đó thông qua tăng cường làm bài tập, trình bày trên lớp, làm các bài thi mẫu… Quá trình học và ôn tập em nào chưa an tâm, giáo viên sẽ hỗ trợ ôn tập tăng cường kể cả ngày nghỉ.
Một buổi ôn thi vào buổi tối của học sinh lớp 12 Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: LT |
Không dừng lại ở đó, thay vì cho các em nghỉ sớm tự ôn thi ở nhà trước kỳ thi khoảng hơn 1 tháng, năm nay trường “giữ” các em ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày thi. Các em được tỉnh hỗ trợ thêm 1 tháng tiền ăn và chi phí học tập là 1,8 triệu đồng. Hàng ngày, nhà trường sẽ lo cho các em ngày 3 bữa để có đủ sức khỏe và tinh thần tốt cho quá trình ôn tập hướng đến kỳ thi.
Cô Bùi Thị Vy Vân (giáo viên dạy Toán, dân tộc Mường, đồng thời cũng là cựu học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) chia sẻ: "Càng gần đến ngày thi cô và trò càng có thêm quyết tâm lớn hơn. Ngoài ôn tập ban ngày, buổi tối các lớp cũng sáng đèn ôn tập đến tận 21h mới nghỉ. Biết là các em ôn tập nhiều sẽ vất vả nên tôi luôn động viên các em phải cố gắng để không uổng phí thời gian 12 năm, bởi nếu không đạt được mục tiêu thì chặng đường mới sẽ vất vả nhiều hơn”.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin