(ĐN) - Ngày 15-7, Đoàn kiểm tra số 5 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình làm trưởng đoàn kiểm tra về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Thống Nhất.
Trưởng đoàn Huỳnh Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc về kiểm tra môi trường trong chăn nuôi tại huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Đoàn đã đến kiểm tra tại 4 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.
Theo báo cáo của Huyện ủy Thống Nhất, hiện tổng số gia súc, gia cầm trên địa bàn là hơn 4 triệu con, chủ lực là heo và gà. Toàn huyện có 352 trang trại chăn nuôi có quy mô cấp huyện quản lý; 2 trang trại có quy mô cấp tỉnh quản lý.
Trong đó, có 103 cơ sở chăn nuôi được UBND huyện cấp thủ tục môi trường, 249 cơ sở chưa được cấp giấy phép môi trường. Về chăn nuôi nông hộ, trên địa bàn huyện có 679 hộ chăn nuôi. Năm 2023, toàn huyện đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với 105 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 2,1 tỷ đồng.
Kiểm tra tại hộ chăn nuôi heo của bà của bà Nguyễn Thị Mai Lan, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Nhờ tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm, vấn đề môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là các cơ sở chăn nuôi đã đầu tư các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
Qua kiểm tra, kiểm soát chặt công tác bảo vệ môi trường, khoảng 90 trại chăn nuôi heo quy mô lớn từ 1 ngàn con heo/trại tại xã Hưng Lộc và xã Lộ 25 đã dừng chăn nuôi để khắc phục môi trường.
Kết quả thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch, đến nay, địa phương đã di dời 46/74 cơ sở, các cơ sở còn lại chủ yếu là chăn nuôi theo quy mô nông hộ, kế hoạch sẽ thực hiện di dời theo đúng lộ trình đề ra...
Đoàn kiểm tra tại hộ chăn nuôi heo của bà của bà Nguyễn Thị Liên, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình nhấn mạnh, hoạt động kiểm tra thực tế của đoàn công tác nhằm lắng nghe kiến nghị của các địa phương. Thực tế, nhiều cơ sở chăn nuôi khi đầu tư đều đúng quy định, hiện do kinh tế phát triển, dân cư đông đúc và tiêu chuẩn môi trường đã thay đổi nên họ thuộc diện phải di dời.
Địa phương nên có đánh giá cụ thể về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi cũng như xử lý môi trường. Địa phương tiếp tục giám sát, khống chế không để xảy ra vi phạm ô nhiễm môi trường; phân tích rõ về những nguyên nhân giảm chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Với các cơ sở chăn nuôi gia công cần tiếp tục theo dõi, giám sát về môi trường. Địa phương cũng tập trung đề xuất những kiến nghị cụ thể về những nội dung liên quan đến chăn nuôi, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, cần đưa ra giải pháp kiểm soát tổng đàn chăn nuôi.
Về chính sách hỗ trợ nên căn cứ trên cơ sở thực tế, có tính thuyết phục, đảm bảo vấn đề an sinh cho người chăn nuôi. Địa phương tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp hỗ trợ cho người chăn nuôi chuyển đổi.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin