Trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X, đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn và cả những giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Lừa đảo trên không gian mạng còn nhức nhối
Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh trả lời chất vất tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X vào sáng 17-7. Ảnh: Cổng thông tin Công an tỉnh |
Theo đại tá Nguyễn Hồng Phong, địa bàn Đồng Nai đã có những vụ lừa lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là câu chuyện rất nhức nhối.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh, lực lượng công an đã tiếp nhận 125 vụ với số tiền hơn 325 tỷ đồng. Chưa kể Công an tỉnh còn phát hiện và chủ động ngăn chặn hàng trăm vụ việc chuyển tiền qua tài khoản bằng các phương thức khác nhau. Chủ yếu là do công an cấp xã phát hiện.
Qua nghiên cứu phân tích cho thấy còn một số vấn đề cần quan tâm. Trong đó sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền để thấy rõ phương thức nổi lên hiện nay là thủ đoạn tuyển dụng cộng tác viên để kinh doanh, buôn bán qua mạng.
Theo đại tá Nguyễn Hồng Phong, hình thức này tập trung vào đối tượng là công nhân, học sinh với lượng tiền không nhiều nhưng lại gây bức xúc trong đời sống xã hội (chiếm đến 44%). Đây là hướng để lực lượng công an sẽ tập trung vào tuyên truyền qua một kênh phù hợp hơn.
Ngoài ra, còn một số thủ đoạn khác như: các đối tượng lợi dụng sơ hở để thâm nhập vào tài khoản người dùng bằng các mã độc (tỷ lệ này chiếm đến 18%); thủ đoạn gọi điện giả danh các cơ quan chức năng, công an, tòa án, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng, bưu điện để lừa đảo. Đây là những thủ đoạn cũng khá nhức nhối hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng các sàn nhị phân, các công ty chứng khoán để lừa đảo với tỷ lệ là 13%. Thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo tập trung vào các đối tượng mới sử dụng công nghệ, mới được con, cháu cho cài đặt các thiết bị, cài đặt các tài khoản ngân hàng để nhận tiền lương...
Thiệt hại trong các vụ này không lớn nhưng người dân ngại trình báo. Bên cạnh đó, có một số vụ tài sản rất lớn nhưng bản thân người dân không muốn cung cấp thông tin cho cơ quan công an.
Chỉ cần 3-5 phút để tẩu tán tài sản
Lý giải về việc tỷ lệ điều tra phá các vụ án đạt tỷ lệ thấp như đại biểu HĐND tỉnh đặt vấn đề tại phiên họp, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hồng Phong cho rằng, cầm đầu các đường dây này chủ yếu là người nước ngoài, hoạt động ở địa bàn nước ngoài, nhưng đối tượng thực hiện là người Việt Nam.
Các đối tượng có kịch bản hết sức rõ ràng, sử dụng môi trường mạng và hàng ngàn tài khoản để thực hiện. Các đối tượng có móc nối với nhau cho nên chỉ mất từ 3-5 phút là các đối tượng đã chuyển tiền qua các tài khoản khác hoặc dùng để mua tiền điện tử...
Đại tá Nguyễn Hồng Phong phân tích: “Nếu một vụ trộm cắp chúng tôi có từ 1-2 giờ để đến hiện trường, thì ở trên không gian mạng không hề có dấu vết. Trong đó, sự hợp tác của người bị hại, nếu có báo thì cũng phải mất 3-4 giờ sau mới báo tin. Khi công an hỏi nạn nhân liên hệ với ai thì được trả lời trên tài khoản Zalo và không nhớ đã chuyển như thế nào.
Có cả những người có nhận thức cao, có kiến thức về xã hội, kiến thức về quản lý, kiến thức về công nghệ nhưng cũng mê muội như vậy. Nhiều trường hợp phải mất nhiều ngày sau mới bắt đầu cung cấp thông tin rất nhỏ giọt cho lực lượng công an. Trong khi đó, trên môi trường mạng những trường hợp như vậy chỉ mất 5-7 phút là không còn gì nữa rồi”.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho rằng, việc người dân không nhận diện được các loại đối tượng tội phạm trong sử dụng công nghệ thì lực lượng công an cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi có tiếp nhận đấy, biết là nạn nhân có mất tiền thật đấy, nhưng để mà tìm được số định danh, số điện thoại tài khoản Zalo này của ai cũng phải mất vài ngày đến vài tuần, thậm chí các công ty đa quốc gia, các kênh Tiktok họ cũng không phối hợp. Tìm ra tài khoản Facebook này thì nó đã lập ra tài khoản Facebook khác, tính định danh của những đối tượng này là không cao” - đại tá Nguyễn Hồng Phong chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Công an tỉnh công tác tiếp nhận và xử lý thông tin cũng còn một độ trễ rất lớn, không theo kịp được. Trong khi đó cơ chế về bảo mật thông tin, cơ chế về cung cấp thông tin cho lực lượng công an phải mất hàng tuần. Với khoảng thời gian này, đối tượng đã cao chạy xa bay.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết, thời gian tới Công an tỉnh sẽ có hội nghị chuyên sâu để đưa ra giải pháp căn cơ nhằm giải quyết vấn đề này.
Số vụ lừa đảo công nghệ cao chiếm tỷ lệ cao
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh tiếp nhận và xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều tra làm rõ 40 vụ, 46 đối tượng. Trong đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 76 vụ (chiếm 60,8% tổng số vụ lừa đảo), tổng số tiền bị chiếm đoạt là trên 325,4 tỷ đồng; đã điều tra, làm rõ 4 vụ, 14 đối tượng (đạt tỷ lệ 5,06%).
Nhiều cán bộ còn thơ ơ trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân
Cũng theo đại tá Nguyễn Hồng Phong, một thực tế cho thấy, còn nhiều cán bộ, đảng viên còn khá thờ ơ trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Chính vì vậy cho nên đã cung cấp thông tin cho người khác một cách dễ dàng.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong phân tích: “Chúng ta lướt rất nhanh với những câu hỏi trên không gian mạng, chúng ta truy cập vào những trang web không rõ nguồn gốc dẫn đến chúng ta tự cung cấp cho tội phạm các công cụ cho nên các đối tượng tiếp cận chúng ta qua các số điện thoại mà không cần thẩm định”.
Trước thực tế đó, đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết, lực lượng công an đã đặt ra giải pháp “4 không, 2 phải”: “không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ và không chuyển khoản nếu không biết rõ người mà mình đang giao tiếp là ai”.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong khuyến cáo, khi đối tượng gọi điện xưng là công an, viện kiểm sát thì hãy gọi ngay cho công an gần nhất để trình báo. Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết, thời gian tới sẽ cung cấp số điện thoại đường dây nóng 24/7, để người dân trình báo khi gặp bất kỳ một trường hợp nào.
Một giải pháp rất quan trọng là coi trọng việc sinh trắc học. Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho rằng, thời gian vừa qua có một làn sóng cho rằng việc sinh trắc học là gây khó khăn. Thực sự đây là công cụ mà lực lượng chức năng đã hết sức nỗ lực trong việc chuyển đổi số theo Đề án 06 để giúp ngăn chặn các vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Về giải pháp 2 phải là phải cảnh giác và phải trình báo. Việc trình báo người dân cần phải làm nhanh, chứ để đến nhiều ngày sau thì đối tượng đã chuyển tiền đi nơi khác rồi.
Các hình thức lừa đảo công nghệ cao phổ biến
Lừa đảo bằng hình thức bán hàng online nhận hoa hồng: 23 vụ (chiếm tỷ lệ 29,11%); giả danh công an nói bị hại liên quan đến đường dây ma túy và rửa tiền xuyên quốc gia, giả danh khác: 20 vụ (chiếm tỷ lệ 25,31%); sử dụng tài khoản mạng xã hội (Zalo, Telegram) lừa tham gia đầu tư các sản giao dịch ảo, mua tiền điện tử, đầu tư chứng khoán: 15 vụ (chiếm tỷ lệ 18,89%); hình thức góp vốn thu mua hoặc đầu tư kiếm lời: 10 vụ (chiếm tỷ lệ 12,65%); sử dụng tài khoản Facebook, Telegram gửi quà tri ân khách hàng Lazada: 4 vụ (chiếm tỷ lệ 5,06%)...
Trần Danh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin