Sáng 26-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham dự kỳ họp ngày 26-6. |
Sau đó, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tâm huyết, chất lượng, thẳng thắn, ngắn gọn, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề, tiếp cận dự án với nhiều nội dung phong phú, sâu sắc, trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Đây là dự án luật sửa đổi cho ý kiến lần đầu, qua thảo luận ở hội trường và thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến ĐBQH đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của luật, cơ bản thống nhất quan điểm sửa đổi luật này một cách toàn diện nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu nhấn mạnh, yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với các luật có liên quan, các quy định trong dự thảo luật về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ, phát huy di sản; mối quan hệ giữa 3 nội dung này trong dự án luật. Nhiều ý kiến phát biểu về các nội dung như: chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, sở hữu di sản văn hóa, khu vực bảo vệ của di tích, hợp tác công - tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, sự cần thiết của Quỹ Bảo tồn và phát huy di sản…
Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận có 18 đại biểu phát biểu ý kiến, đa số đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ luật, kịp thời có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và ý kiến thảo luận tại tổ. Bộ trưởng Bộ Y tế đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo làm rõ một số vấn đề quan trọng ĐBQH quan tâm.
Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật có tính chuyên ngành rất cao, phần lớn đại biểu phát biểu công tác trong ngành y tế nên các ý kiến phát biểu rất cụ thể về nhiều nội dung. Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị ĐBQH đã phát biểu tại tổ và phát biểu tại hội trường.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, bảo đảm tính minh bạch, dân chủ, khả thi trong từng quy định của dự thảo luật; kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh để có hướng xử lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2024.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin