Xem truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 79 năm Chiến thắng phát xít (9-5) tại Nga, nhìn thấy lá cờ búa liềm và nghe người ta gọi nhau là đồng chí, tôi thực sự xúc động. Bỗng nhớ bốn người Việt Nam đứng trong đội hình duyệt binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, rồi đi thẳng ra mặt trận vào năm 1941 và đặc biệt nhớ Bác Hồ - người đã thành lập “Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội” tham gia mặt trận chống phát xít vào thời ấy.
Theo chỉ thị của Người, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, hình thức ban đầu của Quân đội nhân dân ta ngày nay, được thành lập ngày 22-12-1944 và sau đó đã xuất phát từ cây đa Tân Trào lên đường chiến đấu. Ảnh: Tư liệu |
1. Còn nhớ, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở về đến cột mốc 108 biên giới Việt - Trung (Pác Pó, Hà Quảng, Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tình hình trong nước và thế giới lúc bấy giờ chuyển biến rất nhanh chóng, có lợi cho thời cơ của cách mạng Việt Nam, Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận định như vậy và đưa ra những quyết sách sáng tạo. Một trong những quyết sách lần ấy là dựa theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát-xít, lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh chống phát-xít, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh với khẩu hiệu chính trị: “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân cùng nhau đánh đuổi giặc Nhật, Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng nên một nhà nước Dân chủ Cộng hòa”.
Với tên gọi Việt Nam Độc lập Đồng minh chống phát-xít, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bằng tầm nhìn chiến lược đã xác định cách mạng Việt Nam đứng cùng một chiến hào với lực lượng Đồng minh gồm Anh, Liên Xô, Hoa Kỳ trong việc chống lại phe Trục gồm Đức, Ý, Nhật đã chiếm một vùng đất rộng lớn từ Châu Âu tới Châu Á; từ Balkan tới Trung Đông - Bắc Phi và Đức đã chiếm nước Pháp, đang chuẩn bị tiến công Liên Xô. Trong bối cảnh phe phát xít đang hung hãn đe dọa các dân tộc trên thế giới nhưng Nguyễn Ái Quốc bằng thái độ kiên định đứng về phía Đồng minh, chứng tỏ Người có tầm nhìn chiến lược và sự tiên lượng chính nghĩa sẽ tất thắng. Đúng như Người nhận định “…tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người và Mặt trận Việt minh, nhân dân cả nước vùng dậy cướp chính quyền, làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong ảnh: Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Hà Nội… Ảnh: Tư liệu |
2. Liên quan đến lòng kiên định của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đứng về phía Đồng minh, đồng chí Thượng tướng Phùng Thế Tài - người bảo vệ đầu tiên của Bác Hồ kể lại trong hồi ký: “… được gặp Bác, được nghe tiếng nói của xứ sở quê hương, viên phi công Mỹ bàng hoàng sung sướng đến phát khóc. Anh ta hoàn toàn bất ngờ, không hiểu tại sao giữa núi rừng của xứ Việt Nam xa xôi này lại có một cụ già nói tiếng Anh giỏi đến thế. Ngạc nhiên hơn, anh ta còn biết cụ già này đã từng đặt chân đến nước Mỹ, khi anh ta còn chưa sanh ra”. Người bàng hoàng sung sướng đến phát khóc ấy là Trung úy phi công William Shaw, viên phi công của Không quân Mỹ đã lái máy bay trên bầu trời biên giới Việt - Trung bị phòng không của Nhật bắn rơi và bị cả Nhật lẫn Pháp truy lùng hết sức gắt gao. Nghe tin báo, Bác bảo phải bảo vệ và đón tiếp viên phi công Mỹ như đón khách. Từ đó, thông qua William Shaw, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận với các sĩ quan Hoa Kỳ, kể cả tướng Claire Chennoult, Tư lệnh Không đoàn 14 (Hổ Bay) của Hoa Kỳ, là đại diện của phe Đồng minh đóng ở vùng Hoa Nam, Trung Quốc để bàn bạc việc phối hợp chống phát xít Nhật và được vị tướng này tán đồng một cách tâm đắc, bởi ông ta được nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh với một lãnh tụ Việt Nam kháng chiến, đã từng đặt chân đến đất Hoa Kỳ. Những cuộc tiếp xúc với người đại diện của phe Đồng minh ở miền Nam Trung Hoa cũng là một hướng ngoại giao hữu nghị nhắm đến thiết lập “quan hệ đầy đủ” với Hoa Kỳ thời Tổng thống Franlink D.Roosevelt, nhưng rất tiếc…
Hồ Chủ tịch đã ở lán này trong những ngày Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (tháng 5-1941), quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Ảnh: Tư liệu |
3. Cùng với việc mở rộng mặt trận đối ngoại chống phát xít, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng không ngừng củng cố, phát triển Mặt trận Việt Minh ở trong nước. Từ cơ quan Tổng bộ Việt Minh ở Trung ương đến các tổ chức Việt Minh ở thôn xã đều thống nhất thực hiện điều lệ, tập trung cho việc tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tất cả đều vì mục tiêu chống phát xít. Nhờ đó, chỉ hơn ba năm, đến năm 1944, Mặt trận Việt Minh đã có gần 500.000 hội viên, bao gồm các đảng phái, các tôn giáo, các nhân sĩ trí thức, công nhân, nông dân…
Đây là lực lượng nòng cốt đã cùng hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của 5.000 đảng viên cộng sản thời bấy giờ đã làm nên Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như mục tiêu ban đầu của Mặt trận Việt Minh đã đề ra.
Mai Sông Bé
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin