Khoa Phong của Bệnh viện Da liễu Đồng Nai đang điều trị cho 14 bệnh nhân. Họ đều sống một mình nhiều năm tại bệnh viện do vẫn còn e ngại sự kỳ thị tại cộng đồng.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu tỉnh tặng quà Tết cho bệnh nhân phong |
Với họ, bệnh viện như là ngôi nhà thứ 2 suốt nhiều năm qua. Tết đến xuân về, khi người người cùng gia đình sum vầy đón Tết, các y bác sĩ của bệnh viện đã có nhiều hoạt động để bệnh nhân phong cũng được đón Tết.
* E ngại sự kỳ thị của cộng đồng
Chục năm nay, ông B.Đ.T. (70 tuổi) đã xem bệnh viện là nhà. Từ ngày nhập viện chữa bệnh, ông gần như không về nhà. Bởi ông cảm nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của các y, bác sĩ và ngay cả các nhân viên hộ lý. Hơn nữa, những người sống chung khu với ông đều mang chung căn bệnh phong nên dễ gần gũi và thấu hiểu nhau hơn.
“Có nhiều người hiểu rằng bệnh này không lây, nhưng cũng có người cho rằng bệnh vẫn lây lan nên họ sợ, không dám lại gần tôi. Nó làm cho tôi cũng mất phương hướng, buồn tủi nên quyết định vào đây ở luôn cho đỡ phiền đến ai” - ông T. tâm sự.
Trước khi mắc bệnh, ông T. từng là một kiến trúc sư. Nhưng giờ ông chỉ có thể sử dụng tay trái vì bàn tay phải đã co rút gần hết do biến chứng của bệnh phong. Hàng ngày, ông vẫn có thể tự chăm sóc bản thân, lau dọn chỗ ở.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 8 ngàn bệnh nhân phong đang được quản lý. Tại Đồng Nai, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai hiện là ngôi nhà thứ 2 của 14 bệnh nhân mắc và chịu biến chứng nặng nề của căn bệnh này. |
Theo chuyên gia y tế, bệnh phong có lây, nhưng lây rất chậm và ít lây. Vi khuẩn gây bệnh phong tồn tại chủ yếu trong dịch tiết của đường hô hấp trên như mũi, họng và dịch tiết ở vết thương da. Vì vậy, bệnh có thể lây lan qua hô hấp hoặc qua đường tiếp xúc. Trước đây, bệnh này từng được xem là một loại bệnh nan y không có thuốc chữa. Tuy nhiên, ngày nay đã có thuốc điều trị khỏi bệnh và phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm thì không để lại di chứng.
Dù vậy, đa phần bệnh nhân phong tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai lại là người già, đã mắc bệnh nhiều năm, phát hiện trễ và ở giai đoạn có biến chứng.
Bà T.Đ.T. (nhà ở TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) cũng là một trong số 14 bệnh nhân phong đón Tết ở bệnh viện suốt nhiều năm qua. Hai bàn tay của bà đã bị biến dạng do biến chứng của bệnh phong.
Khi bà T. phát bệnh vào năm 1988 đã ở giai đoạn muộn.
Bà T. chia sẻ: “Mình không biết là bệnh đã ủ từ khi nào, đến lúc biết bệnh là đã nặng, không còn lao động được. Tôi ở đây đã 3 đời giám đốc bệnh viện rồi. Tất cả nhân viên y tế từ điều dưỡng, bác sĩ hay hộ lý đều rất quan tâm, chăm sóc. Quan trọng nhất là họ không sợ bệnh, không xa lánh hay kỳ thị nên tôi cũng thấy được an ủi phần nào”.
* Mang Tết đến với bệnh nhân phong
Bà T. cho hay, sống lâu trong bệnh viện nên bệnh nhân coi nhân viên y tế như người thân trong gia đình và ngược lại. Dù vậy, ở tuổi xế chiều, mỗi lần Tết không được sum vầy cùng con cháu khiến bà Trung cô đơn phần nào.
“Nhưng bù lại, trước Tết, có nhiều hội từ thiện đến thăm và bệnh viện tặng quà, còn những ngày trong Tết các y, bác sĩ trực luôn đến chúc Tết và lì xì nên tôi thấy vui hơn, ấm áp hơn” - bà T. cười nói.
Những phần quà ngày Tết ở đây vô cùng ý nghĩa, giúp người bệnh phấn khởi hơn, bớt cô đơn hơn trong những ngày Tết. |
Tết này, ông Đ.V.H. (nhà ở xã Túc Trung, H.Định Quán) lại ăn Tết ở bệnh viện. Đây là năm thứ 24 ông đón Xuân tại Bệnh viện Da liễu Đồng Nai.
“Tôi thấy sống ở đây quá tốt rồi, về nhà tạo thêm gánh nặng, lo lắng cho gia đình thì không nên. Hơn nữa, ở đây, tôi không phải chịu sự kỳ thị lại được bệnh viện lo ăn uống, chúc Tết nên vui hơn nhiều. Vào thời khắc gúc giao thừa, tất cả bệnh nhân và nhân viên y tế trực ngày đó cũng đón Tết, uống nước trà và chúc nhau” - ông H. bày tỏ.
BS Phạm Văn Thao, Khoa Phong, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho hay, mầm bệnh phong đã được chữa hết hoàn toàn ở tất cả bệnh nhân phong của khoa. Họ chỉ đang phải điều trị những di chứng do bệnh để lại. Do đó, khi tiếp xúc với bệnh nhân thì không thể lây bệnh.
“Dù sự kỳ thị bệnh nhân phong đã giảm nhiều nhưng vẫn còn. Do đó, bệnh nhân vẫn có sự mặc cảm nhất định. Thận chí, nhiều bệnh nhân không dám về nhà sum họp với gia đình vào dịp Tết” - BS Thao chia sẻ.
Các bác sĩ thăm hỏi một bệnh nhân phong đang điều trị tại bệnh viện |
Phần lớn bệnh nhân tại đây đều đã cao tuổi, neo đơn, không còn nơi nương tựa. Do đó, việc bệnh viện chăm lo cho bệnh nhân phong trong dịp Tết Nguyên đán mang ý nghĩa rất lớn bởi họ xem bệnh viện là nhà, y bác sĩ là người thân.
Suốt nhiều năm qua, bệnh viện vẫn luôn quan tâm, thăm hỏi, chúc Tết và trao những phần quà ý nghĩa cho bệnh nhân phong điều trị nội trú. Đây được xem là hoạt động thường niên mà bệnh viện Da liễu Đồng Nai duy trì từ mấy chục năm qua. Trong dịp tết, bệnh viện cũng bố trí đầy đủ nhân lực, các kíp trực và chuẩn bị thuốc men để điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Những bệnh nhân phong này trước đây đã thiệt thòi rất nhiều vì chịu sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Khỏi bệnh, họ vẫn thiệt thòi khi phải mang thêm di chứng tàn tật. Do đó, họ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của xã hội.
Bích Nhàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin