(ĐN)- Chiều 18-1, hội nghị liên ngành y tế - thú y đã tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2023.
Người dân đăng ký tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm qua, toàn tỉnh không ghi nhận ca mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như: sốt xuất huyết, Covid-19, quai bị, cúm giảm mạnh so với năm 2022.
Tuy nhiên, số ca mắc bệnh tay chân miệng, thủy đậu lại tăng. Đáng lưu ý, toàn tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại. Số người đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm dự phòng, tiêm huyết thanh kháng dại đều tăng so với năm ngoái. Đồng Nai ghi nhận 20 ổ dịch bệnh dại tại 7 huyện, thành phố gồm: Định Quán, Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh nhấn mạnh, năm 2023, dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Nguyên nhân bắt nguồn từ người nuôi chó, mèo còn rất chủ quan, chưa chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh dại.
Chó, mèo đa phần là thả rông, người dân dắt chó đi dạo cũng không rọ mõm, khi một con chó bị dại sẽ cắn và lây mầm bệnh cho những con chó khác trong cộng đồng. Một số người dân sau khi bị chó cắn chủ quan không đi tiêm vaccine dẫn đến mắc bệnh dại và tử vong. Việc xử lý vi phạm hành chính trong việc quản lý chó, mèo, tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo còn hạn chế.
Do đó, trong năm 2024, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng phần mềm React trong truy xuất người tiêm phòng vaccine dại do bị chó, mèo cắn. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh và HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương hỗ trợ vaccine dại để tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028; xây dựng kế hoạch kinh phí về triển khai giám sát trọng điểm về tác nhân lây truyền từ động vật sang người trên đối tượng động vật nuôi và trên người tại các địa điểm giao dịch buôn bán lớn, các chợ gia súc gia cầm, các đơn vị chăn nuôi, hộ chăn nuôi.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin