Báo Đồng Nai điện tử
En

Vườn quốc gia Cát Tiên thả về rừng 18 con cheo cheo tịch thu từ các vụ săn bắt trái phép

20:28, 29/11/2023

(ĐN)-18 cá thể cheo cheo Nam Dương đã được Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh chuyển giao cho Vườn quốc gia Cát Tiên và tái thả về tự nhiên ngay trong ngày.

Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh và Vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp tái thả cheo cheo Nam Dương về rừng. Ảnh: Tạ Thương
Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh và Vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp tái thả cheo cheo Nam Dương về rừng. Ảnh: Tạ Thương

Chiều tối ngày 28-11, các kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh đã chuyển 18 cá thể cheo cheo đến Vườn quốc gia  Cát Tiên nhằm mục đích cứu hộ, tái thả. Số cheo cheo Nam Dương này do UBND huyện Đạ Tẻh tịch thu từ các vụ săn bắt động vật rừng trái phép.

Ngay sau đó, 2 đơn vị  di chuyển số cheo cheo trên đến khu vực có sinh cảnh phù hợp thuộc địa phận Vườn quốc gia Cát Tiên để tái thả .

Cheo cheo Nam Dương có tên khoa học là Tragulus javanicus, là loài thú móng guốc chẵn, kích thước nhỏ thuộc họ Cheo cheo, sinh sống chủ yếu dựa vào tầng rừng thấp. Chúng có thể được tìm thấy ở các rừng thứ sinh, rừng cây bụi, các đồng cỏ trong rừng, kể cả rừng trồng, ở Nam Á và Đông Nam Á.

Cheo cheo Nam Dương là loài có kích thước nhỏ nhất trong số các loài thú móng guốc. Ảnh: Tạ Thương
Cheo cheo Nam Dương là loài có kích thước nhỏ nhất trong số các loài thú móng guốc. Ảnh: Tạ Thương

Họ Cheo cheo có thể được xem là một đại diện cho các loài nhai lại nguyên thủy, bởi bộ gene không có sự tiến hóa nhiều theo thời gian. Chúng có răng nanh sắc nhọn, không có tập tính nhai lại. Đôi chân nhỏ mảnh dẻ giúp chúng di chuyển nhanh nhẹn khéo léo trong rừng.

Ở Việt Nam, cheo cheo Nam Dương còn được gọi là nai chuột/ hươu chuột (mouse-deer trong tiếng Anh) bởi kích thước nhỏ bé, với trọng lượng một cá thể trưởng thành không quá 2kg. Với trọng lượng này, cheo cheo Nam Dương ở Đông Nam Á được xác định là loài có kích thước nhỏ nhất trong số các loài thú móng guốc. Cheo cheo chủ yếu bị đe dọa với nhu cầu săn bắt làm thực phẩm, đôi khi nuôi nhốt như thú cảnh, sự phân mảnh sinh cảnh sống bởi diện tích rừng suy giảm và thay đổi mục đích sử dụng rừng.

Vy Trần

Tin xem nhiều