Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cần làm rõ bao nhiêu doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường vì kinh tế khó khăn

Thanh Hải (tổng hợp)
16:39, 24/10/2023

(ĐN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu nhận định, tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu tại phiên thảo luận

* Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đánh giá, trước những khó khăn, thách thức rất lớn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với nhiều chủ trương, quyết sách lớn. Sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn.

Long
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị tăng thêm thời gian thảo luận tổ vì rất nhiều vấn đề cần được thảo luận

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quản Minh Cường, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bởi liên quan đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển; vốn nhàn rỗi trong nhân dân rất lớn, không đưa được vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi người dân chỉ gửi ngân hàng nên không có giải pháp huy động nguồn vốn này.

Theo ĐBQH Quản Minh Cường, cùng một chính sách nhưng không đồng bộ, không thống nhất, không thực hiện được chỉ có Chính phủ mới tháo gỡ được vấn đề này. Đại biểu cũng đánh giá thêm, khó khăn việc thẩm định được giá đất là chưa phù hợp, cần thành lập hội đồng thẩm định giá đất. HĐND quy định giá 1 năm/2 lần, sở, ngành, chuyên gia tham gia công tác này sẽ tránh tiêu cực.

Tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%

Theo báo cáo của Quốc hội, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%...

* Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp cần sát thực

ĐBQH Trịnh Xuân An phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Trong khi đó ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, để đạt các tiêu chí là khó, kể cả tăng trưởng GDP, Chính phủ cố gắng duy trì hoạt động trong tình hình thế giới nhiều biến động. Phải làm rõ con số bao nhiêu doanh nghiệp rời khỏi thị trường, bao nhiêu doanh nghiệp đóng thuế, hỗ trợ vốn cho bao nhiêu doanh nghiệp cần phân tích cụ thể để có giải pháp hỗ trợ sát thực với doanh nghiệp. Nếu không phân tích cụ thể thì rất khó hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu tại phiên thảo luận

 

Để gỡ khó, thúc đẩy phát triển kinh tế, ĐBQH Trịnh Xuân An chia sẻ, về giải ngân vốn đầu tư công cần đánh giá thêm để có cơ sở phù hợp, nếu không sẽ khó thực hiện. Về thủ tục hành chính đã cắt giảm nhiều thủ tục nhưng cần đánh giá lại để xem thực chất công tác này như thế nào?

ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho hay, hoạt động kinh doanh của các cơ sở tư nhân cực kỳ khó khăn. Lãi suất ngân hàng với gia hạn nợ quy định không đồng nhất giữa các cơ quan dẫn đến chậm, mất tính thời sự. Trong thời gian chờ đợi, doanh nghiệp vẫn kinh doanh, vẫn phải trả lãi. Tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chậm là do thẩm định giá trị đơn vị gặp khó khăn, tình hình chứng khoán không thuận lợi.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều