Trước thềm đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, về những thành tựu cơ bản của nước ta trong nhiệm kỳ qua và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tiếp theo.
Trước thềm đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, về những thành tựu cơ bản của nước ta trong nhiệm kỳ qua và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tiếp theo.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là không chỉ tiến hành tổng kết một nhiệm kỳ mà còn gắn liền với tổng kết 30 năm đổi mới (từ đại hội VI đến nay).
* Thưa PGS.TS, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã nêu tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ông có thể cho biết cụ thể những kết quả nước ta đạt được từ đổi mới đến nay?
- Từ đổi mới đến nay, nước ta đã đạt 5 thành tựu nổi bật. Đó là kinh tế đã chuyển từ kinh tế hiện vật, kinh tế khép kín sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, đến nay Việt Nam đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng kém phát triển, đứng vào nước có thu nhập trung bình. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong những năm đổi mới đạt 6,8%, cao gần gấp 2 lần trước đổi mới. Diện mạo kinh tế đất nước đã thay đổi.
Về chính trị, hệ thống Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh. Về văn hóa - xã hội, nước ta đã thực hiện thành công 8 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đặc biệt đã xóa bỏ được tình trạng đói nghèo cùng cực, giảm số hộ nghèo từ 58% (năm 1993) xuống dưới 5% hiện nay. Về quốc phòng - an ninh, nước ta đã giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia. Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những nước ổn định chính trị nhất. Đặc biệt về đối ngoại, hội nhập quốc tế: Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới.
* Việt Nam đã đạt những dấu ấn gì trong ngoại giao?
- Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 228 đảng chính trị trên thế giới thuộc 112 nước. Còn trong quan hệ Nhà nước, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 186/193 nước là thành viên Liên hợp quốc; quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước; quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước và quan hệ đầy đủ với các nước thuộc nhóm G7, G8.
Trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam còn ghi dấu ấn bằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào tháng 7-2015. Tại Mỹ, Tổng Bí thư đã có câu nói nổi tiếng: “Quá khứ không thay đổi được nhưng tương lai thuộc về chúng ta”. Còn Phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong buổi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc câu thơ trích từ Truyện Kiều: “Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”. Đây là những dấu hiệu tốt trong quan hệ Việt Nam và Mỹ.
Đối với quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong chuyến Chủ tịch Tập Cận Bình sang Việt Nam, vào tháng 11-2015, ông đã dành nhiều tình cảm khi nói về Bác Hồ “Thế hệ chúng tôi cũng gọi Bác Hồ là Bác”. Đồng thời, ông khẳng định trước Quốc hội Việt Nam: “Trung Quốc không bành trướng. Điều mà mình không muốn thì đừng áp đặt cho người ta”. Thông điệp mà ông Tập Cận Bình phát đi cho chúng ta hiểu: mình không muốn chủ quyền của mình bị xâm phạm thì cũng đừng xâm phạm chủ quyền của nước khác. Trong bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng, luôn gìn giữ môi trường hòa bình để phát triển. Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều mất mát, đau đớn vì chiến tranh nên rất quý trọng hòa bình.
Nước ta thực hiện đổi mới trong bối cảnh thế giới và khu vực gặp nhiều khủng hoảng, như khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng ở các nước xã hội chủ nghĩa, khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu (từ 2008 đến nay). Bên cạnh đó, nước ta phải đối mặt với việc bảo vệ chủ quyền Biển Đông… Đạt được những thành quả như trên, cho thấy sự phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thật đáng quý và tầm vóc.
* Trân trọng về những kết quả đạt được, song hẳn qua 30 năm đổi mới, nước ta không phải không còn những tồn tại, yếu kém. Ý kiến của PGS.TS về vấn đề này như thế nào?
- Việt Nam tuy đã được coi là nước có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) nhưng nền kinh tế của ta quy mô vẫn nhỏ, năng suất thấp, năng lực cạnh tranh yếu, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật hạn chế. Không những vậy, nền kinh tế của ta chủ yếu gia công, lấy công làm lãi nên dù tốc độ tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực nhưng nguy cơ tụt hậu vẫn xa hơn. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề xã hội còn bức xúc, phân hóa giàu - nghèo khá cao, đạo đức xã hội xuống cấp, quan hệ sản xuất lúng túng, tội phạm gia tăng.
* Theo PGS.TS, để góp phần cùng cả nước thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ mà đại hội XII của Đảng đề ra, Đồng Nai cần làm gì?
- Một trong những nội dung Đại hội XII của Đảng đưa ra là phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tiêu chuẩn của nước công nghiệp hiện đại là tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế phải cao, nông nghiệp phải thấp. Bên cạnh đó, thu nhập đầu người cũng phải cao (các nước công nghiệp thu nhập đầu người hàng chục ngàn USD, thu nhập đầu người ở Việt Nam mới đạt 2.200 USD). Đô thị hóa, chỉ tiêu về điện… cũng là một trong những tiêu chí về công nghiệp.
Đồng Nai là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là một trong 13 tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương, sắp tới Đồng Nai có Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng Nai cũng đang có đội ngũ lao động dồi dào, nhiều thành phần dân cư. Với những thế mạnh này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X sẽ lãnh đạo đưa Đồng Nai phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, sớm đạt chuẩn của tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi trước cả nước. Đồng Nai cũng nên quan tâm đến việc thu hút nguồn lực, nơi nào có nguồn lực tốt thì phát triển tốt.
* Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS!
Phương Hằng (thực hiện)