Bà Phạm Thị Sum, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa: Đổi mới chính sách tiền lương
Bà Phạm Thị Sum, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa: Đổi mới chính sách tiền lương
Hiện nay, mặt bằng tiền lương của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lương tối thiểu của người lao động mới chỉ ở mức hơn 1 triệu đồng/tháng. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp nước ngoài khi sang đầu tư tại Việt Nam đã căn cứ vào đó để trả lương cho công nhân lao động của ta một cách rẻ mạt. Chính vì lương thấp không đủ chi tiêu nên đời sống người lao động khó khăn, chấp nhận phải tăng ca, thêm giờ làm; bác sĩ không thể nở nụ cười, phải đi làm thêm hoặc mở phòng mạch riêng; giáo viên phải tìm cách dạy thêm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, người có chức, có quyền thì tìm đến con đường tham ô, tham nhũng... Tất cả nhằm mục đích cho cuộc sống riêng mình. Từ thực trạng này cho thấy, để giữ được sự trong sạch cho tất cả cán bộ, công chức, người lao động thì tiền lương phải được trả theo trình độ, năng lực của mỗi người.
[links(left)]Một vấn đề khác là, việc giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng, ý thức dân tộc... thời gian qua, mặc dù đã được các cấp, ngành triển khai thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Một bộ phận giới trẻ ngày nay đang hiểu thiển cận về sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự chiến đấu hy sinh của cha ông; về độc lập, tự do của dân tộc... Ngay cả một số người có chức, có quyền - vì quyền lợi, nhiều người đã bất chấp làm tất cả. Họ đã cho con đi du học nước ngoài, rồi ở lại nước ngoài làm việc, không quay trở về quê hương để phục vụ đất nước. Vậy những trường hợp này, lý tưởng của họ để ở đâu? Bên cạnh đó, cách thức làm việc của một số cán bộ lãnh đạo hiện nay chủ yếu là đi họp, họp xong gặp nhau là nhậu, nhậu rồi say là ngà... Như vậy thì còn đâu là thời giờ lo việc nước, việc dân. Trước tình hình này phải đẩy mạnh việc giáo dục giác ngộ lý tưởng, hãy làm cho mỗi người phải thấy rõ trách nhiệm của mình.
Dương An (ghi)
Ông Hồ Đình Hồng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa): Tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân
Để có được độc lập tự do, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sức mạnh của toàn dân. Lúc nào lòng dân cũng tin Đảng, tin vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tuy nhiên, thời gian qua đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nói không đi đôi với làm, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Việc thực hiện thành công nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng với dân tộc ta là tiếp tục giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng, niềm tin của nhân dân. Đối với Đồng Nai, để góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết, các cấp ủy cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đây để cán bộ, đảng viên nắm chắc nghị quyết mà thực hiện cho tốt; còn nhân dân biết để giám sát việc thực hiện nghị quyết. Và việc tăng cường tuyên truyền, quán triệt nghị quyết còn là để tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân về quá trình triển khai thực hiện nghị quyết. Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện nghị quyết, từng chi, đảng bộ cơ sở phải xác định cái gì là điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát huy và sửa chữa, tránh tình trạng làm tràn lan và sao chép lẫn nhau. Đồng thời, từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nhất là đối với người đứng đầu. Tuy nhiên, việc làm này phải mang tính xây dựng, tình đồng chí, đồng đội, không lợi dụng để bôi xấu, kích động nhau. Tỉnh nên có sự chỉ đạo, hướng dẫn việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; làm đến đâu, rút kinh nghiệm đến đó.
Quỳnh Anh (ghi)