Cơ quan Thường trực Hội đồng Xét tặng giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thông báo về việc xét tặng giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lần thứ V (2015 - 2020).
Nhằm khẳng định, ghi nhận những thành tựu trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn học nghệ thuật phản ảnh về đất nước con người Đồng Nai, đồng thời tôn vinh những tác giả có tác phẩm đạt chất lượng, góp phần tích cực cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật chung của cả nước; góp phần động viên, định hướng sáng tạo các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nhân văn, thúc đẩy sự nghiệp phát triển của tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Căn cứ Quy định số 2786/QĐ-UBND ngày 16/8/2021, Cơ quan Thường trực Hội đồng Xét tặng giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thông báo về việc xét tặng giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lần thứ V (2015 - 2020) như sau:
1. Tác phẩm, tác giả tham gia xét thưởng
Là những tác phẩm, công trình nghiên cứu, sáng tạo văn học, nghệ thuật thuộc các bộ môn Văn học (văn xuôi, thơ), Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Văn nghệ dân gian (sưu tầm, nghiên cứu) của tác giả, nhóm tác giả, biên kịch, đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh Đồng Nai.
Tác phẩm tham gia xét giải thưởng là tác phẩm đã được công bố lần đầu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2020 (có giấy xác nhận hoặc văn bản chứng minh thời gian công bố của tác phẩm).
2. Đề tài tác phẩm tham gia xét thưởng
2.1. Đề tài về đất nước con người Đồng Nai, hoặc không gian văn hóa Đồng Nai, ưu tiên các mảng đề tài: Lịch sử, cách mạng kháng chiến và truyền thống văn hóa dân tộc; công cuộc đổi mới trong xây dựng và bảo vệ đất nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; công nhân lao động trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thiếu niên, nhi đồng, dân tộc thiểu số; ca ngợi, biểu dương những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội nhằm định hướng chân - thiện - mỹ cho xã hội.
Trong trường hợp các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật ngang nhau, tác phẩm nào trực tiếp gắn với đề tài ưu tiên thì được xếp cao hơn.
2.2. Đối với các công trình được tập hợp từ nhiều tác phẩm thành tập sách, album hoặc CD (đã xuất bản) thể hiện nhiều mảng đề tài khác nhau, thì số lượng tác phẩm có đề tài về đất nước con người Đồng Nai hoặc không gian văn hóa Đồng Nai, phải chiếm tối thiểu 50%. Những tác phẩm, công trình này phải được công bố trong định kỳ giải thưởng theo khoản 2 Điều 5 của Quy định này.
2.3. Đối với tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai có tác phẩm về biển, đảo, hoặc tác phẩm phản ảnh tích cực về đất nước, con người Việt Nam được dư luận quan tâm, đánh giá cao thì được dự xét giải; ưu tiên tác phẩm được giải thưởng của các cấp Hội Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các cuộc thi, triển lãm quốc tế được Việt Nam công nhận (tác giả gửi chứng nhận giải thưởng để đối chiếu).
3. Thể loại, hình thức tác phẩm xét giải thưởng
3.1. Văn xuôi: Gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, truyện ký, truyện thiếu nhi, tản văn, hồi ký được xuất bản thành sách (dưới các hình thức sách in, sách nghe, sách điện tử), do một Nhà xuất bản có tư cách pháp nhân được Nhà nước công nhận ấn hành.
3.2. Thơ: Gồm tập thơ, trường ca, truyện thơ được xuất bản thành sách do một Nhà xuất bản có tư cách pháp nhân được Nhà nước công nhận ấn hành.
3.3. Nghiên cứu, lý luận, phê bình: Là công trình, hoặc tập hợp nhiều công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được xuất bản thành sách do một Nhà xuất bản có tư cách pháp nhân được Nhà nước công nhận ấn hành.
3.4. Âm nhạc: Là chùm tối thiểu 05 tác phẩm loại nhỏ (như ca khúc, romance, nhạc múa) có thời lượng bình quân 05 phút/01 tác phẩm, hoặc chùm tối thiểu 03 tác phẩm loại vừa (như hợp xướng, tiểu phẩm, tổ khúc, song, tam, tứ, ngũ tấu nhiều chương, chủ đề và biến tấu) có thời lượng tối thiểu của cả chùm tác phẩm là 30 phút, hoặc tối thiểu 01 tác phẩm loại lớn (như hợp xướng nhiều chương có phần đệm, giao hưởng thơ, tổ khúc giao hưởng, nhạc kịch) có thời lượng tối thiểu của tác phẩm là 30 phút, hoặc chùm tác phẩm hỗn hợp các loại tác phẩm âm nhạc trên với thời lượng tối thiểu là 30 phút. Tác phẩm phải được sáng tác và công bố dưới các hình thức in ấn, băng, đĩa, dàn dựng biểu diễn, phát sóng của các tổ chức có tư cách pháp nhân về xuất bản hoặc các đơn vị có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật, tổ chức phát sóng từ cấp tỉnh trở lên (có băng đĩa tiếng kèm theo văn bản).
3.5. Mỹ thuật: Từ 03 tranh trở lên (là bản gốc), từ 02 tác phẩm đối với điêu khắc đã triển lãm từ cấp tỉnh tổ chức trở lên, hoặc đã công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, in trên sách báo hoặc phát sóng trên Đài Truyền hình từ cấp tỉnh trở lên (nếu khuôn khổ tác phẩm quá lớn thì gửi phác thảo và có ảnh chụp tác phẩm kèm theo). Trong đó tối thiểu có 01 tác phẩm được giải thưởng cấp tỉnh trở lên, hoặc cả chùm tác phẩm đã được triển lãm từ cấp khu vực trở lên.
3.6. Nhiếp ảnh: Là tập sách ảnh do Nhà xuất bản có tư cách pháp nhân ấn hành hoặc chùm ảnh nghệ thuật từ 05 tác phẩm trở lên, khổ ảnh 30cm x 40cm, 30cm x 45cm, ảnh vuông 30cm x 30cm, ảnh dẹt (panorama) chiều dài tối đa không quá 45 cm đã được công bố qua triển lãm hoặc mọi hình thức khác (không tính đến website của cá nhân và các tổ chức được thành lập không chính thức). Trong đó tối thiểu có 02 tác phẩm được giải cấp tỉnh trở lên, hoặc cả chùm tác phẩm đã được triển lãm từ cấp khu vực trở lên.
3.7. Sân khấu (bao gồm biên kịch, đạo diễn)
Là tác phẩm kịch nói, cải lương, tuồng, chèo hoặc các vở diễn, chương trình sân khấu do các đoàn nghệ thuật hoặc Đài Phát thanh - Truyền hình dàn dựng và công bố. Tác phẩm phải có độ dài từ 90 phút trở lên cho một suất diễn. Nếu là kịch ngắn dưới 45 phút thì phải từ 03 kịch ngắn trở lên được dàn dựng, biểu diễn, phát sóng (có băng đĩa hình hoặc băng đĩa tiếng và giấy chứng nhận đã công bố của đơn vị sản xuất kèm theo).
3.8. Điện ảnh (bao gồm biên kịch, đạo diễn)
Là phim truyền hình, phim truyện, phim tài liệu văn học nghệ thuật, phim hoạt hình... đã được công chiếu trên sóng truyền hình Nhà nước (tại địa phương hoặc Trung ương), hoặc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) giới thiệu công chiếu tại nước ngoài. Tác phẩm dự thi được thu vào băng hình, có giấy chứng nhận của đơn vị sản xuất; thời lượng tối thiểu từ 90 phút trở lên; nếu là phim ngắn, phim tài liệu nghệ thuật dưới 30 phút thì phải từ 03 tác phẩm trở lên.
3.9. Múa
Gồm các thể loại múa, kể cả múa trong vở diễn (không xét tác phẩm múa minh hoạ) được các đoàn nghệ thuật, Đài Phát thanh - Truyền hình dàn dựng và phổ biến. Nếu là tác phẩm thời lượng dưới 10 phút thì phải có chùm tác phẩm từ 03 tiết mục trở lên (có băng đĩa hình và giấy chứng nhận của đơn vị thực hiện, sản xuất kèm theo).
3.10. Biểu diễn nghệ thuật
Gồm diễn viên sân khấu, diễn viên điện ảnh, diễn viên múa... đạt từ Huy chương Bạc trở lên tại các Liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc trở lên, do Bộ VHTT&DL hoặc các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức.
3.11. Văn nghệ dân gian
Các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, các loại hình văn hóa dân gian có nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn Biên Hòa xưa - Đồng Nai ngày nay; do cá nhân, tập thể nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu, biên soạn thành công trình, đề tài được xuất bản thành sách, băng đĩa, hoặc đề tài đã được nghiệm thu, xét giải Trung ương, hoặc được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Cơ cấu giải
4.1. Mỗi thể loại xét tặng: 01 giải A, 02 giải B, 03 giải C.
4.2. Số lượng các giải tùy thuộc vào chất lượng các tác phẩm tham gia dự giải, không nhất thiết phải cơ cấu đủ các giải cho từng thể loại. Mỗi tác giả chỉ được nhận một giải thưởng cao nhất trong tất cả thể loại cá nhân có đăng ký dự xét giải.
4.3. Ngoài các giải nêu trên, Hội đồng xét tặng giải thưởng kiến nghị khen một giải đặc biệt trong trường hợp có tác phẩm đạt các tiêu chí:
a) Thể hiện xuất sắc các vấn đề được xã hội quan tâm, đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đồng Nai.
b) Có định hướng tư tưởng tích cực đối với đời sống, con người ở phạm vi rộng (trong tỉnh, toàn quốc).
c) Đạt giải A hoặc tương đương trong các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác do các cơ quan Trung ương tổ chức: Nhà nước, Bộ VHTT&DL, các Hội chuyên ngành Trung ương; tổ chức phối hợp giữa các Hội chuyên ngành Trung ương, Bộ VHTT&DL và các tổ chức quốc tế chính thức đã được Nhà nước công nhận.
5. Giá trị giải thưởng
5.1. Hình thức giải thưởng gồm Bằng khen của Chủ tịch của UBND tỉnh, biểu trưng công nhận giải và tiền thưởng.
5.2. Mức tiền thưởng:
a) Giải Đặc biệt: mức tiền thưởng bằng 30 (ba mươi) lần mức lương tối thiểu
b) Giải A: mức tiền thưởng bằng 20 (hai mươi) lần mức lương tối thiểu.
c) Giải B: mức tiền thưởng bằng 15 (mười lăm) lần mức lương tối thiểu.
d) Giải C: mức tiền thưởng bằng 10 (mười) lần mức lương tối thiểu.
6. Thủ tục tham dự xét giải thưởng
6.1. Mỗi tác giả hoặc tập thể tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm tham dự ở các thể loại. Mỗi tác phẩm dự xét giải gửi 03 bản theo hình thức quy định tại mục 3 Thông báo này, ngoại trừ các bộ môn mỹ thuật và nhiếp ảnh (chùm tác phẩm lẻ), mỗi tác phẩm dự xét giải chỉ gửi 01 bản.
6.2. Hồ sơ tác phẩm tham dự giải thưởng gồm:
a) Phiếu đăng ký xét giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức với một số nội dung chủ yếu gồm: Họ và tên thật của tác giả; bút danh; năm sinh; địa chỉ thường trú; hội viên chuyên ngành Trung ương (nếu có); lai lịch tác phẩm (tên tác phẩm, Nhà xuất bản, đơn vị công bố, thời gian xuất bản hoặc công bố lần đầu, tên đồng tác giả, cộng tác viên, người sở hữu trí tuệ...); thể loại tham dự; số điện thoại, địa chỉ liên lạc, lời cam kết về bản quyền tác giả.
b) Tác phẩm dự xét giải thuộc các thể loại quy định tại Điều 4;
c) Giấy chứng nhận tác phẩm đạt giải (nộp bản pho to kèm theo bản chính để đối chiếu);
d) Đối với loại hình văn học, mỹ thuật, múa, tác giả có thể gửi kèm bài viết ngắn dưới 1000 từ để thuyết trình về nội dung, ý nghĩa tác phẩm của mình.
6.3. Đối với tác giả đã qua đời, đại diện của tác giả được thực hiện thủ tục đăng ký xét thưởng thay cho tác giả, đồng thời ghi thêm tên, địa chỉ và số điện thoại của người đại diện vào phiếu đăng ký để Ban tổ chức liên lạc. Đại diện tác giả là người nhà của tác giả, hoặc cơ quan, hội, đoàn thể, nhà xuất bản, cơ quan tác giả từng công tác. Nếu tác phẩm đạt giải, thì chỉ có người thừa kế hợp pháp của tác giả mới được nhận thưởng.
7. Thời hạn, địa điểm nhận đăng ký
7.1. Thời hạn nhận đăng ký: Từ ngày 05/5/2022 đến hết ngày 30/6/2022.
7.2. Địa điểm nhận đăng ký: Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. (Số 30, Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai).
Để biết thêm chi tiết, truy cập vào Trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh Đồng Nai http://hvhnt.dongnai.gov.vn/ hoặc liên hệ Văn phòng Hội VHNT Đồng Nai (Bà Bùi Thị Chinh) ĐTCQ: 0613 827 044 - DĐ: 0935 363 764.
TM. CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC
HỘI ĐỒNG XÉT GIẢI
CHỦ TỊCH HỘI VHNT
NSND.ĐD Giang Mạnh Hà