Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề, lĩnh vực dẫn đến việc làm của người lao động (NLĐ) bị cắt giảm. Chính lúc này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tính nhân văn và được coi là "điểm tựa" góp phần giúp NLĐ ổn định cuộc sống.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề, lĩnh vực dẫn đến việc làm của người lao động (NLĐ) bị cắt giảm. Chính lúc này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy tính nhân văn và được coi là “điểm tựa” góp phần giúp NLĐ ổn định cuộc sống.
Người lao động làm hồ sơ nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giao dịch việc làm tỉnh |
* Nhiều quyền lợi cho người lao động
Từ đầu 2020 đến nay, Đồng Nai có trên 60.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Theo quy định Luật Việc làm, người lao động bị thất nghiệp đang trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, có đóng bảo hiểm thất nghiệp và đủ điều kiện hưởng sẽ được hưởng các chế độ sau:
- Trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hàng tháng: Khi NLĐ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định thì được hưởng TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia BHTN, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
- NLĐ sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề miễn phí. Một số ngành nghề đào tạo như: Kế toán, may, tin học, ẩm thực, kỹ thuật thẩm mỹ… NLĐ được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.
Còn đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh nếu buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.
* Nghị định mới mang lại lợi ích cho người lao động
Theo Nghị đinh số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020, người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1 - Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
2 - Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
3 - Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
4 - Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
5 - Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Nghị định sửa đổi, bổ sung thêm các trường hợp người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện pháp luật ủy quyền. Qua đó đã mở rộng quyền lợi và hỗ trợ kịp thời cho NLĐ.
Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải tích cực tìm kiếm việc làm và trực tiếp thực hiện thông báo hằng tháng với Trung tâm Dịch vụ việc làm về việc tìm kiếm việc làm theo các ngày quy định.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tìm được việc làm, NLĐ phải thông báo với trung tâm Dịch vụ việc làm thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo. Các trường hợp không thông báo đúng quy định bị xử phạt vi phạm hành chính và không được bảo lưu toàn bộ thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. |
PV