Sau vòng 1/8 và tứ kết Cúp Quốc gia, cuối tuần này, V.League bước vào giai đoạn quyết định với 2 nhóm đua vô địch và trụ hạng.
Sau vòng 1/8 và tứ kết Cúp Quốc gia, cuối tuần này, V.League bước vào giai đoạn quyết định với 2 nhóm đua vô địch và trụ hạng.
Loại ĐKVĐ Hà Nội FC và Nam Định ở Cúp Quốc gia để có 4 chiến thắng liên tiếp trong 15 ngày, Viettel sẽ trở lại mạnh mẽ trong cuộc đua vô địch V.League |
Nhóm B chỉ có 6 đội, 5 vòng đấu nên sẽ kết thúc sớm, chiếc vé duy nhất rớt hạng sẽ được xác định muộn nhất vào ngày 11-8. Nhóm A với tốp 8 có 7 vòng sẽ về đích sau đó hơn 2 tuần, vào ngày 27-8.
Do chỉ đá một lượt nên số trận trên sân nhà giữa các đội trong 2 nhóm cũng không bằng nhau. Theo điều lệ, 4 đội dẫn đầu trong tốp 8 giai đoạn 1 được ưu tiên thi đấu 4 trận trên sân nhà, 4 đội còn lại chỉ 3; tương tự là 3 đội xếp trên trong tốp 6 đua trụ hạng được chơi 3/5 trận sân nhà.
Quy định này giúp 3 đại diện của Hà Nội có lợi thế rất lớn khi mỗi CLB được chơi tới 5 trận tại Hàng Đẫy (riêng vòng cuối thi đấu cùng ngày, cùng giờ, CAHN và Hà Nội FC cùng được chơi trên sân nhà nên trận Hà Nội FC - Viettel phải chuyển sang sân Mỹ Đình, vì CAHN có vị trí cao hơn ở giai đoạn 1 được ưu tiên).
CAHN cũng có lịch đấu thuận lợi nhất khi khởi đầu bằng 4 đối thủ phía dưới trong tốp 8: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT, sân nhà (SN), Bình Định (sân khách (SK), Hải Phòng (SN), Nam Định (SK); rồi mới chạm trán 3 đối thủ trực tiếp đều ở Hàng Đẫy: Hà Nội FC, Viettel, Thanh Hóa.
Tương tự là đội nhì bảng Thanh Hóa, lần lượt gặp Nam Định (SN), Hải Phòng (SK), Bình Định, Vietttel (SN), HLHT (SK), Hà Nội FC (SN) và CAHN (SK). ĐKVĐ Hà Nội FC bắt đầu bảo vệ ngôi vương bằng các trận gặp Bình Định (SN), HLHT (SK), Nam Định, Hải Phòng (SN) rồi mới đến 3 kẻ thách thức: CAHN, Thanh Hóa, Viettel. Viettel cũng vậy, sau Hải Phòng (SN), Nam Định (SK), HLHT, Bình Định (SN) mới đối đầu với Thanh Hóa (SK) và 2 người anh em cùng thủ đô CAHN, Hà Nội FC.
Trong khi đó, 4 CLB phía dưới sẽ bước ngay vào chặng tourmalet. Hải Phòng chạm trán liền 4 đối thủ dẫn đầu Viettel (SK), Thanh Hóa (SN), CAHN, Hà Nội FC (SK) rồi mới gặp Nam Định (SN), HLHT (SK), Bình Định (SN). Tương tự là Bình Định, Nam Định, HLHT.
Việc lần lượt gặp các đối thủ mạnh dần lên giúp các đội có thời gian “nóng máy”, điều chỉnh; ngược lại, sớm đối đầu với các ứng cử viên vô địch, chiến thắng sẽ mang đến lợi thế tâm lý lớn cho 4 CLB phía dưới “phất cờ khởi nghĩa”.
Ở nhóm “chung kết ngược” cũng vậy. Có thứ hạng cao nhất, SLNA mở đầu bằng cuộc tiếp đón đội áp chót TP.HCM rồi hành quân vào Khánh Hòa, sau đó là 2 ứng viên rớt hạng B.Bình Dương (SN), SHB.Đà Nẵng (SK), cuối cùng có thể là trận thủ tục trên sân nhà với HAGL. Trước chuyến làm khách tại Vinh này, HAGL cũng có thể đã an toàn nếu giành 8 điểm trong 4 trận gặp Khánh Hòa (SN), B.Bình Dương (SK), SHB.Đà Nẵng và TP.HCM (SN). Khánh Hòa cũng chỉ cần 9-10 điểm trong 5 cuộc đối đầu với HAGL (SK), SLNA, TP.HCM (SN), B.Bình Dương (SK), SHB.Đà Nẵng (SN).
Với 3 đội chót bảng không chỉ được chơi sân nhà ít hơn (chỉ 2 trận) mà mỗi vòng đấu của giai đoạn này đều là chung kết. Chủ nhân chiếc vé duy nhất xuống hạng Nhất có thể sớm được gọi tên ngay sau 2 lượt đầu tiên khi SHB.Đả Nẵng gặp B.Bình Dương (ở giai đoạn 1 hòa 1-1) và TP.HCM nghênh chiến SHB.Đà Nẵng (giai đoạn 1 TP.HCM thắng 5-1). Tuy nhiên, cũng không loại trừ “tử thần” chỉ xuất hiện vào giờ chót trong cuộc đối đầu giữa TP.HCM - B.Bình Dương ở vòng đấu cuối cùng.
Chiếc cúp vô địch sau đó cũng có thể là trò ú tim khi kết thúc vòng 6 của nhóm A vào ngày 12-8, các đội phải thu quân trong 2 tuần rồi mới đá tiếp vòng cuối. Lý do là Hải Phòng phải thi đấu vòng sơ loại AFC Cup với chuyến làm khách tại Hong Kong gặp BC Rangers ngày 15-8. Nếu đến lúc này ngôi vương vẫn chưa ngã ngũ, đó sẽ là 2 tuần dài nhất và cực kỳ căng thẳng với những kẻ trong cuộc.
Trường Xuyên