Thể thức thi đấu tách nhóm từ đề xuất của HLV Hàn Quốc Chung Hae-seong khi còn dẫn dắt CLB TP.HCM, được thay thế cho việc đá vòng tròn 2 lượt đi - về do V.League phải rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, phương án "chữa cháy" này mang đến sự hấp dẫn cho cả cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng ngay từ giai đoạn 1.
Thể thức thi đấu tách nhóm từ đề xuất của HLV Hàn Quốc Chung Hae-seong khi còn dẫn dắt CLB TP.HCM, được thay thế cho việc đá vòng tròn 2 lượt đi - về do V.League phải rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, phương án “chữa cháy” này mang đến sự hấp dẫn cho cả cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng ngay từ giai đoạn 1.
CLB Thanh Hóa giữa vòng vây của 3 đội bóng đại diện thủ đô |
Cả 2 lần thực hiện trước, vì đại dịch Covid-19, nhà ĐKVĐ đều rơi đài. Mùa 2020, Viettel lật đổ Hà Nội FC để lần đầu tiên vô địch; mùa 2021, đến lượt Viettel bị HAGL vượt mặt, trở thành đội vô địch không chính thức sau 12 vòng đấu trước khi giải bị hủy. Lần thứ 3 áp dụng, V.League 2023 sẽ có tân vương?
* Đông Á Thanh Hóa giữa vòng vây
Trước đích đến đầu tiên tách nhóm vào chủ nhật 2-7 này, 5 đội đã chắc suất trong tốp 8 vào giai đoạn 2 tranh huy chương là: CAHN (24 điểm), Thanh Hóa (23 điểm), Hà Nội FC (22 điểm), Viettel (18 điểm) và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (17 điểm). Với Hà Tĩnh, đội bóng trung bình khá về lực lượng lẫn tài chính, lần đầu tiên vào tốp 3 đã là mỹ mãn. Nên xét về điểm số cùng quyết tâm, tiềm lực, cuộc đua vô địch chủ yếu diễn ra giữa 3 ứng cử viên dẫn đầu và cách nhau chỉ 1 điểm, thêm phần nào đó là Viettel.
Xét về tương quan, đội Thanh Hóa bất lợi nhất khi một mình đứng giữa vòng vây 3 đội bóng thủ đô. Thành tích đối đầu ở “lượt đi” của Thanh Hóa không hề tồi: hòa 0-0 trước Hà Nội FC trên sân Hàng Đẫy, đánh bai Viettel 3-2 và chỉ mất ngôi đầu bởi thất bại đầu tiên 1-4 trước dàn sao CAHN. Tuy nhiên, đội bóng xứ Thanh đã bị nhận diện và trong khi CAHN, Hà Nội FC, Viettel đều bổ sung lực lượng mạnh mẽ để chuẩn bị cho giai đoạn quyết định của mùa giải thì Thanh Hóa vì hầu bao có hạn đành hài lòng với những gì đang có. Ngay vòng 13 này, họ có thể tụt thêm 1 bậc vì phải tiếp đón đội Hải Phòng rất cần điểm để ở lại trong tốp 8; trong khi 3 đối thủ trực tiếp đều gặp những đội trong nhóm 2: Hà Nội FC tiếp SLNA, CAHN và Viettel chỉ phải gặp 2 đội bét bảng SHB.Đà Nẵng và CLB TP.HCM.
Để không hụt hơi như 2 lần á quân liên tiếp 2017 và 2018, 7 trận còn lại ở giai đoạn 2, đội bóng xứ Thanh phải chơi với tinh thần tất cả đều là “chung kết”. Họ cần trút bỏ nỗi ám ảnh “3 đánh 1 không chột cũng què” để tự thân chiến thắng chính mình. Bởi, con gà lại tức nhau tiếng gáy, không đến tay mình thì cho người ngoài. Hơn nữa, về thực chất, 3 đội bóng ở thủ đô chỉ có mỗi điểm chung là cái sân Hàng Đẫy, còn thì có lẽ “bằng mặt mà chẳng bằng lòng”.
Nếu có thể phá vòng vây, lần đầu tiên hóa rồng, cả làng sẽ ngả mũ cúi chào đội bóng xứ Thanh.
* Rắc rối sân nhà
Với việc 3 CLB thủ đô cùng lấy sân Hàng Đẫy làm sân nhà có mặt trong tốp 8, trong 7 vòng đấu ở giai đoạn 2 chắc chắn sẽ có lượt, 2 hoặc 3 đội Hà Nội FC, CAHN, Viettel cùng là chủ nhà. Sẽ càng rối nếu rơi vào 2 vòng cuối thi đấu cùng giờ.
Trong trường hợp này, CLB có thứ hạng cao hơn sau khi kết thúc giai đoạn 1 sẽ được ưu tiên đá trên sân nhà Hàng Đẫy. Đội còn lại phải đăng ký một sân khác được Ban tổ chức chấp thuận, nếu không Ban tổ chức sẽ quyết định địa điểm thay thế.
Với quy định này, Viettel bất lợi nhất, vì đã chắc chắn xếp sau Hà Nội FC (hiện kém 4 điểm) và CAHN (kém 6 điểm). Riêng nhà ĐKVĐ và CAHN cùng với việc phải tính toán phương án chọn sân nhà dự phòng, vòng 13 không chỉ phải nỗ lực tìm số điểm cao nhất để tích lũy cho cuộc đua vô địch mà còn để đảm bảo được chơi tất cả các trận đấu trên sân nhà trong giai đoạn 2 ở mặt sân quen thuộc Hàng Đẫy (Hà Nội FC hiện kém CAHN 2 điểm).
Đông Kha