Ngày 19 và 20-3, Giải Futsal vô địch quốc gia (VĐQG) 2023 chính thức khai mạc, với nét mới được coi là "bước chuyển mình lịch sử".
Ngày 19 và 20-3, Giải Futsal vô địch quốc gia (VĐQG) 2023 chính thức khai mạc, với nét mới được coi là “bước chuyển mình lịch sử”.
Giải có sự tham gia của 8 CLB gồm: ĐKVĐ Sahako FC, á quân Thái Sơn Nam - TP.HCM, Thái Sơn Bắc, Sanvinest Khánh Hòa, Tân Hiệp Hưng, Cao Bằng, GFDI Sông Hàn (Đà Nẵng) cùng tân binh Hà Nội. Lượt đi diễn ra từ ngày 19-3 đến 18-4 và lượt về từ ngày 28-6 đến 4-8.
* Sân nhà, sân khách, ngoại binh
Sau 16 năm hình thành và 8 năm áp dụng thể thức League, Giải Futsal VĐQG 2023 sẽ lần đầu tiên chuyển từ hình thức thi đấu tập trung sang thi đấu sân nhà, sân khách. Ngoài ra, các CLB được chiêu mộ, sử dụng 1 ngoại binh cùng 1 cầu thủ gốc Việt ở nước ngoài. Sự thay đổi này sẽ giúp giải nâng cao tính cạnh tranh, tăng nguồn lực và hấp dẫn hơn.
Sẽ có tổng cộng 56 trận đấu diễn ra tại 4 thành phố lớn: TP.HCM (Nhà thi đấu (NTĐ) Lãnh Binh Thăng và Q.8), Hà Nội (Cung điền kinh Mỹ Đình), Nha Trang (NTĐ Cao đẳng sư phạm Trung ương) và Đà Nẵng (NTĐ Tiên Sơn). Chắc chắn giải sẽ thu hút lượng khán giả đến sân hơn hẳn con số 80 ngàn lượt mùa rồi, cũng như lượng người xem qua các kênh truyền hình trực tiếp.
* 4 CLB “biến mất”
Nếu futsal Việt Nam nỗ lực nâng chất bằng một bước tiến về sự thay đổi trong thể thức, điều lệ, thì lại cũng chứng kiến bước lùi lớn khi Giải VĐQG 2023 teo tóp chỉ còn 1/3 số đội.
So với 12 CLB tham dự giải 2021 nay chỉ còn 8. Vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là tài chính, 4 đội đã không còn hoạt động là: Zetbit Sài Gòn FC, Hưng Gia Khang Đắk Lắk, Quảng Nam và VietFootball. Điều này đồng nghĩa mỗi CLB futsal chỉ còn đá tối đa 19 trận trong cả 1 năm (14 trận Giải VĐQG cùng 5 trận Cúp QG). Một con số quá “hẻo”!
Cũng vì quá ít đội mà có muốn Giải VĐQG cũng không thể kéo dài quanh năm suốt tháng mà chỉ gom lại thi đấu vào 2 thời điểm, mỗi giai đoạn khoảng trên dưới 1 tháng, 10 tháng còn lại cầu thủ ngồi không hoặc đi đá “phủi”. Đây là lý do VĐV lên tuyển không đảm bảo được thể lực, sự ổn định, phải mất thời gian làm lại từ đầu. Ngoài ra, cả nước trăm triệu dân chỉ có 8 CLB futsal với hơn 100 cầu thủ, xác suất để đội tuyển quốc gia tuyển chọn chỉ là 1/8 (cứ 8 cầu thủ có 1 lên tuyển). Cơ hội chọn lựa và tính cạnh tranh là quá thấp.
Thông thường, đội tuyển quốc gia là bộ mặt của nền bóng đá. Tuy nhiên nghịch lý tồn tại ở futsal Việt Nam là trong khi đội tuyển hiện hạng 39 thế giới, ở châu Á chỉ sau Nhật, Uzbekistan, Thái Lan, Australia; 2 lần liên tiếp giành vé và vào vòng 1/8 World Cup (2016, 2020); 5 kỳ liên tiếp vào vòng chung kết châu Á, trong đó 4 lần vào tứ kết, 1 lần hạng 4, nhưng giải quốc nội vẫn dừng lại ở mức nghiệp dư.
Tân HLV Diego Giustozzi từng đưa Argentina vô địch futsal World Cup 2016 nhiều lần nhấn mạnh, điều quan trọng để futsal Việt Nam có thể tiếp cận nhóm hàng đầu châu lục là phải nâng cấp giải đấu trong nước. Tiềm năng, sự phù hợp của người Việt với futsal là thế mạnh nhưng khoảng cách tưởng như rất ngắn ấy nhiều năm nay vẫn chưa thể kéo gần. Ấy là bởi những thay đổi mới chỉ ở phần ngọn (đầu tư cho đội tuyển) để gặt hái chiến tích, còn cái gốc vẫn ì ạch, chậm phát triển. Đó là chân đế phong trào, số lượng và chất lượng Giải VĐQG. Đáng nói nhất là công tác đào tạo trẻ futsal để có nguồn nhân lực bổ sung đến nay vẫn hoàn toàn là vùng trắng. Ý muốn đưa futsal vào học đường là định hướng chiến lược rất hay và đã từng được triển khai thực hiện, nhưng chỉ sau 1 năm lại “đánh trống bỏ dùi”.
Yên Chi