Báo Đồng Nai điện tử
En

Les Bleus và thách thức lịch sử 40 năm

10:12, 05/12/2022

ĐKVĐ Pháp đã nhẹ nhàng vượt qua vòng knock-out cùng với lập 2 kỷ lục ghi bàn.

ĐKVĐ Pháp đã nhẹ nhàng vượt qua vòng knock-out cùng với lập 2 kỷ lục ghi bàn.

ĐKVĐ Pháp vẫn chưa gặp thuốc thử đủ liều
ĐKVĐ Pháp vẫn chưa gặp thuốc thử đủ liều

Ghi bàn vào lưới Ba Lan, tiền đạo 36 tuổi Olivier Giroud vượt qua Thierry Henry trở thành chân sút số 1 mọi thời đại của tuyển Pháp với 52 bàn thắng. Còn tài năng 23 tuổi Mbappe với cú đúp không chỉ vươn lên dẫn đầu cuộc đua “vua phá lưới” với 5 bàn (cùng 2 pha kiến tạo) mà cộng với 4 pha lập công 4 năm trước trên đất Nga, anh trở thành cầu thủ dưới 24 tuổi đầu tiên trong lịch sử có 9 bàn thắng tại 2 kỳ World Cup liên tiếp.

* Lịch sử 4 năm trước lập lại?

Đến Qatar lần này, tuyển Pháp liên tục gặp những tổn thất lớn. Sau 2 tiền vệ ngôi sao Pogba và Kante, đến lượt Benzema bị chấn thương. Đây là cú sốc lớn với Les Bleus, bởi tiền đạo Real vừa có mùa giải đỉnh cao trong sự nghiệp với danh hiệu: “Quả bóng vàng”, Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu, Cầu thủ hay nhất và vua phá lưới Champions League, La Liga. Benzema lẽ ra là trung phong số 1 chứ không phải Giroud.

Cùng với đó là nỗi ám ảnh 4/5 kỳ World Cup gần đây nhà vô địch đều bị loại từ vòng bảng, mà mở đầu cho “truyền thống” ấy lại chính là Pháp vào năm 2002, khi đội tuyển vừa lần đầu xưng vương ở France 1998 chỉ có đúng 1 điểm “chống gậy về nước” (tương tự là Italy ở Nam Phi 2010, Tây Ban Nha tại Brasil 2014, Đức ở Nga 2018). Thêm vào đó là cái “huông”, hễ vào chung kết thì ngay kỳ World Cup sau đó Pháp đều sa sút tệ hại (sau 2002, năm 2010 về chót bảng).

Nhưng tại Qatar, Gà trống Gaulois đã phá bỏ “cái dớp” do chính mình tạo ra. Trùng hợp, hệt như 4 năm trước, Pháp lại cùng bảng với Đan Mạch, Australia, chỉ khác đại diện châu Phi Tuinisia thay suất Nam Mỹ Peru, và cũng sớm đoạt vé đi tiếp sau 2 trận toàn thắng. Tiếp đó, trên đất Nga, thầy trò HLV Deschamps loại 2 đại diện Nam Mỹ Argentina ở vòng 1/8, Uruguay ở tứ kết, trước khi đánh bại 2 tên tuổi châu Âu là Bỉ và Croatia ở bán kết và chung kết.

* 2 “lời nguyền” cần hóa giải

Có điều, tại vòng đấu loại trực tiếp Qatar 2022, hành trình của tuyển Pháp theo chiều ngược lại. Les Bleus phải đối mặt với những người anh em châu Âu trước; sau Ba Lan, nếu vượt qua Anh sẽ có thể là Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha ở bán kết, và chung kết mới là một trong 2 đại diện xuất sắc nhất Nam Mỹ: Brasil hoặc Argentina.

Đặc biệt, ở rào cản cuối cùng này, nhà ĐKVĐ sẽ đứng trước 2 lời nguyền cần hóa giải. Đó là trong suốt chiều dài lịch sử của 21 kỳ World Cup trước, chỉ mới có một lần một đội tuyển châu Âu đăng quang bên ngoài cựu lục địa (Tây Ban Nha tại Nam Phi 2010), và đã tròn 4 thập kỷ kể từ khi Brasil của Pele, Garrincha… tại Chile 1962, chưa có nhà vô địch nào bảo vệ được ngôi vương.

Người Pháp nói “với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào trong chiếc chai”, nhưng tôi không tin 2 lời nguyền lịch sử ấy sẽ cùng được Les Bleus phá bỏ ở kỳ World Cup này. Không phải vì nó… “quá nặng” mà chỉ đơn giản tuyển Pháp không còn là nhà vô địch 4 năm trước. Với bộ tứ Mbappe - Giroud - Dembele - Griezmann, Pháp có thể chơi 4-2-3-1, 4-3-3, 4-4-2, thậm chí là 4-2-4 với hàng công “siêu khủng”. Tuy nhiên, họ không còn một tiền vệ nào trên đất Nga. Rabiot và 2 sao trẻ của Real Tchouameni, Camavinga không thể sánh được với Pogba, Kante, Matuidi; lại đều thiên về thu hồi, phòng ngự. Hãy chỉ ra đâu là cầu thủ dẫn dắt lối chơi của Gà trống Gaulois?

Ngoài một nhạc trưởng, Pháp cũng thiếu chiều sâu lực lượng, bằng chứng là trận thua Tuinisia của đội hình 2. Bên cạnh Varane, trung vệ Upamecano chỉ làm nhớ Umtiti.

Chẳng qua, trước những đối thủ thua kém quá xa, những vấn đề của Les Bleus chưa bộc lộ ra, tuyển Anh ở tứ kết mới là liều thuốc thử đúng liều. Gà trống - Tam sư, cuộc đại chiến eo biển Manche quyết định cả bàn cờ World Cup 2022.

Đông Kha

 

Tin xem nhiều