Báo Đồng Nai điện tử
En

Một kỳ World Cup kỳ lạ?

04:11, 25/11/2022

Giữ đúng lời hứa, nàng Scheherazade đã kể câu chuyện thứ 2 của "Ngàn lẻ một đêm" trên xứ Ả-rập. Câu chuyện lần này mang tên: "Samurai xanh".

Giữ đúng lời hứa, nàng Scheherazade đã kể câu chuyện thứ 2 của “Ngàn lẻ một đêm” trên xứ Ả-rập. Câu chuyện lần này mang tên: “Samurai xanh”.

Một kỳ World Cup 2 mặt
Một kỳ World Cup 2 mặt

* Cổ tích, thần thoại…

Như câu chuyện đêm trước được viết bởi Saudi Arabia, Nhật Bản quật ngã tuyển Đức theo một kịch bản y hệt, cũng bị dẫn trước trong hiệp 1 bởi quả penalty rồi lật ngược tình thế bằng 2 bàn thắng chớp nhoáng ở hiệp 2. Đáng chú ý, lưỡi gươm Samurai chém phăng cỗ xe tăng bằng chính vũ khí tinh thần, ý chí, tính kỷ luật và sự khoa học của người Đức; tác giả 2 nhát đâm chí mạng Ritsu Doan và Asano vào sân từ ghế dự bị cũng đang chơi bóng ở Bundeslia (sau trận đấu CLB Bochum đăng đàn chúc mừng Asano kèm theo lời… xin lỗi đội tuyển nước nhà (!). Lại như 4 năm trước, khi Đức là nhà ĐKVĐ nhưng cũng thất bại ở trận mở màn trước Mexico, rồi thua đội tuyển Hàn Quốc 0-2, ngậm ngùi rời Nga với vị trí chót bảng. Quá khứ hoàn toàn có thể lập lại khi sắp tới là Tây Ban Nha, đội vừa hủy diệt Costa Rica 7-0.

Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup có 2 đại diện châu Á chiến thắng oanh liệt ở ngày ra quân. Mà bại tướng là ai? 2 “ông lớn” có đến 4 và 2 lần lên đỉnh thế giới đồng thời đều trong nhóm ứng cử viên vô địch tại Qatar, Argentina còn sở hữu siêu sao số 1 thế giới Lionel Messi.

Mới chưa qua khúc dạo đầu của lượt trận đầu tiên vòng bảng, World Cup trên xứ sở Ả-rập thần thoại đã mang đến 5 câu chuyện David - Goliath. Ngoài 2 cơn địa chấn Saudi Arabia và Nhật Bản, 2 đại diện Bắc Phi Tuinisia và Morocco đã xuất sắc cầm hòa đội đương kim hạng 3 EURO Đan Mạch và nhà đương kim á quân Croatia. Còn đội tuyển số 2 thế giới trên bảng xếp hạng FIFA, đương kim HCĐ Bỉ phải nhọc nhằn mới thắng sít sao trước một Canada mới lần thứ 2 dự World Cup sau 36 năm. Thậm chí, nếu Canada không bỏ lỡ quả phạt đền ngay ở phút thứ 8 thì chưa biết điều gì xảy ra. Việc ngôi sao De Bruyne bối rối vì “không biết tại sao” mình được trao giải cầu thủ xuất sắc nhất trận đã nói lên hết sự thất vọng của Goliath.

Tây Ban Nha, Anh, Pháp sớm có cơn mưa bàn thắng, nhưng hãy coi chừng đây có thể là cái bẫy ngọt ngào. Qatar 2022 sẽ là một World Cup rất khó lường mà những giá trị thành tích không chỉ trong quá khứ, cả mới ngày hôm qua cũng chỉ mang tính tham khảo.

* …và công nghệ

Sau 4 năm, VAR đã được hoàn thiện rất nhiều. Bên cạnh những tiến bộ về kỹ thuật (nhanh chóng, ít mất thời gian hơn), FIFA đã cố gắng giảm bớt sự can thiệp của “máy móc” vào trận đấu, trọng tài vẫn là người có tiếng nói quyết định thay vì phụ thuộc, ỷ lại vào nó như đã từng lo ngại.

Nhưng ấn tượng nhất tại Qatar 2022 là công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) lần đầu tiên xuất hiện. Với 12 camera chuyên dụng, liên tục theo dõi vị trí của quả bóng Al Rihla và 29 điểm trên cơ thể cầu thủ, từ nay bóng đá không còn những bàn thắng “ăn cắp trứng gà”, bởi 100% các pha việt vị đều được phát hiện với độ chính xác đến từng mm.

Tuy nhiên, dù trọng tài được báo gần như ngay lập tức, SAOT vẫn mang đến sự ức chế cho các cầu thủ, CĐV đội ghi bàn lẫn khán giả. Hãy hỏi Argentina về cơn ác mộng. 2 lần ăn mừng bàn thắng vào lưới Saudi Arabia, sân Lucail như vỡ tung, cùng lúc ấy ở quê nhà Messi hàng chục triệu người cũng hò reo, nhưng rồi tất cả rơi vào tẽn tò. Đúng mới thật là… việt vị!

Với công nghệ ngày càng hiện đại, bóng đá sẽ không còn những “oan, sai” nhưng liệu nó cũng đồng thời giết chết cảm xúc mà đây vốn dĩ là một trò chơi. Khi lưới rung lên, thay cho nỗi buồn, niềm vui òa vỡ, cả SVĐ sẽ im lặng như tờ, cầu thủ khoanh tay đứng chờ VAR, chờ SAOT phán quyết.

Cố chủ tịch FIFA Brasil Joao Havelange từng nói: sai lầm là một phần của bóng đá. Bạn thích một World Cup bay bổng với những cảm xúc trái ngược buồn, vui, tiếc nuối, sung sướng như câu chuyện cổ tích, thần thoại hay tất cả đều chính xác đến 100% như toán học?

Minh Chung

Tin xem nhiều