Chưa đầy 24 giờ sau thất bại 0-2 trong trận "derby - chung kết ngược" trước "đội khách" Sài Gòn FC, lần đầu tiên thay chân chính "người anh em" cùng thành phố tiếp quản "đèn đỏ", CLB TP.HCM cuống quýt làm cuộc cách mạng ở thượng tầng.
Chưa đầy 24 giờ sau thất bại 0-2 trong trận “derby - chung kết ngược” trước “đội khách” Sài Gòn FC, lần đầu tiên thay chân chính “người anh em” cùng thành phố tiếp quản “đèn đỏ”, CLB TP.HCM cuống quýt làm cuộc cách mạng ở thượng tầng. Sau 4 trận chỉ giành được duy nhất 1 điểm, HLV Trương Việt Hoàng phải ra đi, cùng với đó là dàn trợ lý Tuấn Phong, Minh Quang... Tiếp đó, Chủ tịch vừa được bổ nhiệm kiêm Giám đốc điều hành CLB Nguyễn Hữu Thắng (để tham gia băng ghế chỉ đạo) cũng buộc thôi chức sau 4 năm vững như bàn thạch dù vai trò rất mờ nhạt.
2 tên tuổi xứ Nghệ và thủ đô không cứu nổi đại diện TP.HCM, cùng ra đi |
“Chiến hạm đỏ” thực sự phát đi tín hiệu SOS, tìm người cứu đắm.
Ngay sáng hôm sau ngày 2-10, cái tên tân HLV được công bố. “Chuột chạy cùng sào”, đó là ông Vũ Tiến Thành, cựu Chủ tịch điều hành kiêm HLV của chính đối thủ CLB Sài Gòn. Đây đã là nhà cầm quân thứ 4 của CLB TP.HCM dù mùa giải mới qua 2/3 chặng đường. Đầu tiên là Trần Minh Chiến xin rời ghế sau vòng 11 khi đội rơi xuống áp chót. Tiếp đó chủ tịch Hữu Thắng tạm quyền ở 2 trận thua Bình Định 1-2 và thắng Sài Gòn FC 2-1. Từ vòng 14 là Trương Việt Hoàng. Như vậy là cả 2 tên tuổi xứ Nghệ (Hữu Thắng từng vô địch V.League cùng SLNA, HLV đội tuyển Việt Nam, thay người đàn em đồng hương quyền chủ tịch Lê Công Vinh từ năm 2018) và Hà Nội (Việt Hoàng có 2 chức á quân và vô địch cùng Hải Phòng, Viettel) đều không cứu nổi đội bóng của TP.HCM mà ngược lại “Chiến hạm đỏ” ngày càng chìm sâu.
Cơn khủng hoảng đến đáy của CLB TP.HCM hôm nay là hệ quả của sự lạc lối sau chức á quân bất ngờ 2019 có tên “nhiều tiền mà không biết xài”. Liên tục 3 năm vừa qua, đây là đội bóng luôn “ồn ào” nhất với những bản hợp đồng “bom tấn” cả triệu USD: từ 2 tiền đạo Costa Rica Jose Ortiz, Ariel Rodriguez đến các ngoại binh Brasil: Dario Junior, Barros Junior, Joao Paulo, Da Silva, Lee Nguyễn; rồi mùa này là Brendon, Cosendey, Cordeiro, Bygave, Green…
Tất cả đều thành “bom xịt” (ngoài Lee Nguyễn nhưng cả làng V.League đều biết cách đối phó, chỉ cần đá Lee đau là vô hiệu). Việc đầu mùa Quế Ngọc Hải và Hải Huy “quay xe” với đội bóng nhà giàu này dù đã nhận tiền ứng lót tay cho thấy uy tín và niềm tin vào CLB là rất thấp. Với hàng loạt những sai lầm trong chính sách chuyển nhượng, sa sút thành tích, dư luận nhiều lần cho rằng CEO Nguyễn Hữu Thắng, người nhận lương 100 triệu/tháng, không thể không có vai trò, trách nhiệm trong quản lý, điều hành, nhưng ông chỉ ra đi cho đến khi… bị sa thải.
Quay lại với một nhà cầm quân người Sài Gòn, liệu lần thứ 4 thay tướng CLB TP.HCM có “đổi vận” khi họ đã kém Sài Gòn FC, HL Hà Tĩnh 2 điểm, SHB Đà Nẵng 4 điểm và Nam Định 6 điểm và trong tay chỉ còn 8 trận để tìm sự sống. Được trao bản hợp đồng 2 năm và từng giúp Sài Gòn FC bất ngờ đoạt HCĐ V.League 2020 với một đội ngũ cầu thủ chất lượng trung bình, HLV Vũ Tiến Thành tự tin: “8 trận còn lại nếu đá đúng sức tôi nghĩ CLB TP.HCM có thể thắng ít nhất 3 trận và hòa 3 để trụ hạng”. Mục tiêu ấy có lạc quan quá chăng? Bởi “Chiến hạm đỏ” đã gặp tất cả các đối thủ trực tiếp trong cuộc chiến trụ hạng (chỉ giành được 4/18 điểm tối đa trước Nam Định, Hà Tĩnh và Sài Gòn FC), còn sắp tới sẽ toàn những đội “chiếu trên”: 2 trận sân khách với HAGL, B.Bình Dương; về sân nhà gặp Hà Nội, SLNA; sau đó là: Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng, Viettel và Bình Định.
Nhưng một câu hỏi đặt ra, sau 8 năm mới được trở lại sân chơi cao nhất vào năm 2017, rồi thêm 6 mùa trụ lại, nếu không may “đứa con ruột” phải quay trở lại hạng Nhất, liệu người hâm mộ Sài thành có buồn? Câu trả lời, hãy nhìn lên khán đài sân Thống Nhất chỉ vỏn vẹn 2 ngàn khán giả cùng những tiếng thở dài trong trận “derby - chung kết ngược” mà CLB TP.HCM là “chủ nhà”. So sánh với trận “chung kết ngược” phía Bắc giữa Nam Định - HL Hà Tĩnh (2-0) 1 ngày sau đó, quả thực phải thừa nhận, trong 2 đại diện TP.HCM đội nào rớt hạng cũng… xứng đáng.
Đông Kha