Là môn thể thao cơ bản số 1, "Olympic của Olympic", thước đo sức mạnh thực sự tại một đại hội thể thao chính là điền kinh.
Là môn thể thao cơ bản số 1, “Olympic của Olympic”, thước đo sức mạnh thực sự tại một đại hội thể thao chính là điền kinh.
Những niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games sắp tới |
Trở lại đấu trường khu vực từ SEA Games 1989 nhưng phải 2 năm sau, tại Manila 1991, điền kinh Việt Nam mới có tấm huy chương đầu tiên (HCB) ở môn nhảy cao của Vũ Mỹ Hạnh với mức xà 1,81m. Phải chờ thêm 4 năm nữa, tại Chiang Mai (Thái Lan) mới chứng kiến giây phút lịch sử VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam bước lên bục cao nhất, đó là tấm HCV của Vũ Bích Hường ở nội dung 100m rào nữ.
Ở kỳ SEA Games đầu tiên trên sân nhà vào năm 2003, điền kinh Việt Nam đã có bước tiến nhảy vọt khi giành 8 HCV, vượt cả thành tích 7 kỳ đại hội trước đó cộng lại, trong đó có tới 7 chức vô địch thuộc về các cô gái (Nguyễn Thị Tĩnh đoạt 3 HCV, phá 1 kỷ lục). Lần đầu tiên chúng ta vượt qua Philippines để chiếm vị trí thứ nhì toàn đoàn (hơn tới 12 HCB), nhưng vẫn kém “cường quốc” điền kinh số 1 khu vực là Thái Lan tới 5 HCV.
Vị trí đi sau người Thái kéo dài thêm 7 kỳ SEA Games với 14 năm, cho đến Singapore 2015, điền kinh Việt Nam dù có bước nhảy vọt về chất, giành tới 11 HCV nhưng vẫn kém đối thủ 6 HCV. Tuy nhiên, đó là báo hiệu cho cuộc lật đổ ngoạn mục và lớn nhất trong lịch sử SEA Games 2 năm sau đó. Tại Kuala Lumpur 2017, điền kinh Việt Nam thi đấu bùng nổ, thâu tóm 17 HCV, 11 HCB và 6 HCĐ, lần đầu tiên hạ bệ Thái Lan (hơn tới 8 HCV) để chính thức trở thành “Nữ hoàng” khu vực. Kể từ tấm huy chương mở đường năm 1991 đến HCV đầu tiên năm 1995, phải mất 26 năm trải qua bao mồ hôi, nước mắt, điền kinh Việt Nam mới lên đỉnh Đông Nam Á và vươn tới tầm cao châu lục. Đó không phải là sự đột biến, bởi 2 năm sau đó tại SEA Games 30 năm 2019, trên đường chạy Philippines, các VĐV chúng ta vẫn giữ vững chắc vị trí số 1, thậm chí còn giành tới 38 huy chương, trong đó có 16 HCV, vượt Thái Lan 4 HCV.
Đặc biêt, Nguyễn Thị Oanh trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên lập kỳ tích hat-trick HCV cá nhân, lại ở 3 nội dung rất khó của điền kinh là: 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m, còn phá 1 kỷ lục đại hội. Nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh vượt qua VĐV gốc Mỹ chỉ 0,01 giây để giành tấm HCV nữ danh giá nhất 100m tốc độ. Và trong lần đầu tiên nội dung tiếp sức 4x400m hỗn hợp nam - nữ được đưa vào chương trình thi đấu, Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan, Trần Đình Sơn đã xuất sắc trở thành những nhà vô địch đầu tiên.
Dù gặp rất nhiều khó khăn trong tập luyện, thi đấu hơn 2 năm qua do đại dịch Covid-19, nhưng các VĐV điền kinh Việt Nam vẫn khổ luyện, quyết lập “hat-trick” Nữ hoàng. Với 25 chuyên gia, HLV và 80 VĐV, cùng chỉ tiêu đoạt 15-17 HCV, điền kinh là đội tuyển có lực lượng hùng hậu nhất và tiếp tục là “mỏ vàng” lớn nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
Đông Kha