Trong hành trình 10 ngày trước khi đăng quang tại Campuchia, đội tuyển U.23 Việt Nam đã hứng chịu đến 3 đợt tấn công của Covid-19, mà đỉnh điểm là trước trận bán kết chỉ còn 13 cầu thủ. Tức, ngoài 10 viện binh mới được đưa sang, có tới 24/27 cầu thủ trong danh sách đăng ký ban đầu lần lượt "dính" Covid-19. Hiện vẫn còn 19 thành viên, trong đó có 16 cầu thủ chưa thể về nước.
Trong hành trình 10 ngày trước khi đăng quang tại Campuchia, đội tuyển U.23 Việt Nam đã hứng chịu đến 3 đợt tấn công của Covid-19, mà đỉnh điểm là trước trận bán kết chỉ còn 13 cầu thủ. Tức, ngoài 10 viện binh mới được đưa sang, có tới 24/27 cầu thủ trong danh sách đăng ký ban đầu lần lượt “dính” Covid-19. Hiện vẫn còn 19 thành viên, trong đó có 16 cầu thủ chưa thể về nước.
CLB Hà Nội, ứng cử viên với 5 chức vô địch V.League, quyết đòi lại ngôi vương nhưng vẫn chưa thể ra mắt cùng tân HLV ngoại và dàn ngoại binh mới |
Nhưng U.23 Việt Nam không phải ngoại lệ, gần như cả 9 đội tham dự Giải U.23 Đông Nam Á 2022 đều bị Covid-19 ghé thăm, do sự lây nhiễm chéo. Sau trận bán kết, U.23 Lào không còn người để đá khiến trận tranh hạng 3 phải hủy bỏ, kéo theo Thái Lan có 5 cầu thủ dương tính không thể thi đấu trong trận chung kết với Việt Nam. Mặc dù tiến hành xét nghiệm liên tục, thậm chí vào ngày thi đấu thực hiện 2 đợt vào buổi sáng và 2 tiếng trước giờ ra sân, nhưng rõ ràng công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban tổ chức nước chủ nhà có kẽ hở. Đây là điều phải được tham khảo, nghiên cứu rút kinh nghiệm cho SEA Games 31 sắp tới khi chúng ta sẽ đón hơn 10 ngàn người từ 11 quốc gia trong khu vực.
***
V.League 2022 chưa qua được 2 vòng đã có 2 trận đấu phải hoãn vì Covid-19. Ngày khai mạc, trận Hà Nội FC - Thanh Hóa không thể tiến hành vì đội khách có 18 cầu thủ dương tính, với cả 3 thủ môn còn lại (thủ môn thứ 4 của Thanh Hóa là Xuân Hoàng thi đấu cùng U.23 cũng nhiễm Covid-19 tại Campuchia). Vòng 2, đến lượt chính CLB Hà Nội “dính” Covid-19 11 cầu thủ và cũng không còn thủ môn để đá trận derby thủ đô với ĐKVĐ Viettel.
Chưa kể trong trận ra quân, “đại gia” Bình Định mất cả HLV trưởng Đức Thắng lẫn 16 cầu thủ vì Covid-19, trong đó có những bản hợp đồng tiền tấn vừa đưa về (chỉ còn ngoại binh duy nhất Rafaelson), dẫn đến thất bại đầu tay ngay trên sân nhà. Sau trận đấu này, họ lại có thêm 2 cầu thủ có dấu hiệu nhiễm bệnh, khiến đội bóng cùng ra sân là Viettel không khỏi lo lắng. Tương tự là trường hợp đội khách SHB.Đà Nẵng khi tiền vệ Cao Văn Triền của chủ nhà Sài Gòn FC có kết quả dương tính…
Với tinh thần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, dù số ca nhiễm liên tục lập đỉnh mới với cả biến thể Omicron và Delta nhưng gần như được đón nhận bình thường, không còn tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Tuy nhiên, với V.League, nếu có quá nhiều trận đấu phải hoãn vì Covid-19, hệ quả là rất lớn khi lịch đấu và lịch tập trung của đội tuyển quốc gia đã quá khít khao. Bóng đã lăn 2 vòng nhưng CLB Hà Nội vẫn chưa thể ra mắt và VPF đang đau đầu không biết sắp xếp 2 trận đấu bù của họ vào đâu.
Chính vì vậy, vì quyền lợi của chính mình, các CLB phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý và các biện pháp phòng chống. Nhiễm Covid-19 là điều bất khả kháng, không ai mong muốn, nhưng rõ ràng bản thân các cầu thủ cũng đã chủ quan, lơ là trong tiếp xúc, quan hệ bên ngoài sân cỏ. Không phải là người làm công việc bình thường khi nhận tiền “lót tay” cả tỷ đồng, lương tháng 30-50 triệu đồng (ngoại binh còn cao hơn), cả mùa giải có 24 trận, nếu dương tính phải cách ly ít nhất 1 tuần, coi như “ngồi chơi xơi nước” 2-3 trận, như thế là thiếu ý thức chuyên nghiệp.
Minh Chung