Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học từ sự ảo tưởng của bóng đá Thái Lan

10:10, 12/10/2021

Có những thành công vượt trội trong 4 năm qua, nhưng trên bình diện đội tuyển quốc gia phải thẳng thắn nhìn nhận đội tuyển Việt Nam chưa hơn được Thái Lan về cả đẳng cấp lẫn thực lực.

Có những thành công vượt trội trong 4 năm qua, nhưng trên bình diện đội tuyển quốc gia phải thẳng thắn nhìn nhận đội tuyển Việt Nam chưa hơn được Thái Lan về cả đẳng cấp lẫn thực lực. Tại vòng loại World Cup thứ 2, 2 cuộc đối đầu đôi bên bất phân thắng bại không tỉ số nhưng Thái Lan đều là đội chơi lấn lướt, thậm chí mất thắng ở Mỹ Đình vì quả phạt đền bị Văn Lâm xuất sắc cản phá. Ấy thế nhưng dư luận bóng đá Việt Nam xem ra đang đi vào vết xe ảo tưởng của người Thái tại vòng loại cuối cùng World Cup 5 năm trước.

HLV Kiatisak
HLV Kiatisak

HLV Kiatisak khi ấy còn làm được hơn HLV Park Hang-seo bây giờ khi giúp đội tuyển Thái Lan vô địch 2 kỳ AFF Cup 2014, 2016 liên tiếp, HCV SEA Games, vào bán kết Asiad, thậm chí giành vé nhất bảng ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018. Với việc hoàn toàn thống trị Đông Nam Á và đây là lần thứ 2 có mặt ở vòng loại cuối cùng, bóng đá Thái Lan cho rằng mình đã ngồi chiếu trên của châu lục. Và họ sớm nhận gáo nước lạnh, “voi chiến” thua liền 4 trận: Saudi Arabia 0-1, Nhật Bản 0-2, UAE 1-3 và Iraq 0-4. Phải đến lượt thứ 5, trên sân nhà mới có 1 điểm đầu tiên từ trận hòa Australia 2-2. Nhưng sau đó lượt về lại thua tiếp với tỷ số còn nặng nề hơn, chỉ kiếm thêm được trận hòa trên sân nhà trước UAE (1-1). Kết thúc với vị trí chót bảng với chỉ 2 điểm sau 10 trận, ghi 6 bàn nhưng thủng lưới 24 bàn, người Thái cho rằng không xứng đáng với năng lực. Kiatisak buộc phải từ chức để nhường chỗ cho các thầy ngoại và bóng đá xứ Chùa vàng bắt đầu đi xuống bởi lơ lửng, không biết mình đứng ở đâu.

Đó là bài học cho bóng đá Việt Nam. Việc gì phải tự tạo áp lực không cần thiết, hãy coi đây là cơ hội cọ xát, tích lũy quý báu có một không hai, đặc biệt là cho Asian Cup 2023 tại Trung Quốc.

Trần Đỗ

Tin xem nhiều