Ngày 11-11-2013, Chính phủ phê duyệt và ban hành Quy hoạch phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch xác định rõ mục tiêu, Asiad 2018, thể thao Việt Nam đạt 10-15 HCV, xếp hạng 10-15 toàn đoàn; đến giai đoạn 2020-2030, phấn đấu trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục; đối với Olympic, giai đoạn 2020-2030 sẽ có 30-50 VĐV tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có HCV.
[links()]Ngày 11-11-2013, Chính phủ phê duyệt và ban hành Quy hoạch phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch xác định rõ mục tiêu, Asiad 2018, thể thao Việt Nam đạt 10-15 HCV, xếp hạng 10-15 toàn đoàn; đến giai đoạn 2020-2030, phấn đấu trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục; đối với Olympic, giai đoạn 2020-2030 sẽ có 30-50 VĐV tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có HCV.
Thêm một kỳ Olympic thể thao Việt Nam ra về lặng lẽ |
Dù eo hẹp nhưng ngân sách cho sự nghiệp thể thao luôn tăng. Chỉ tính 2 năm gần đây, khoản chi thường xuyên của Trung ương năm 2019 là 572 tỷ đồng; năm 2020 là 780 tỷ đồng. Đó là chưa kể các địa phương như Hà Nội năm 2020 chi 659 tỷ đồng, TP.HCM 503 tỷ đồng… Nhưng chiếu theo quy hoạch, ngành Thể thao đã không hoàn thành nhiệm vụ. Asiad 2018 chỉ có 5 HCV (trong đó HCV 400m rào nữ của Quách Thị Lan được đôn lên do VĐV Bahrain dính doping), Olympic 2020 chỉ có 18 VĐV tham dự (trong đó chỉ 11 suất chính thức) và trắng tay.
Ngoài ra, một trong 7 giải pháp mà quy hoạch của Chính phủ đề ra là: “đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, tăng cường phát triển kinh tế thể thao…, từng bước chuyển giao các hoạt động tác nghiệp thể dục thể thao cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao thực hiện”, sau 7 năm hầu như không có chuyển biến đáng kể. Ngoài 3 liên đoàn: bóng đá, bóng chuyền và quần vợt, công tác xã hội hóa là rất ì ạch. Theo Tổng cục Thể dục thể thao là do năng lực hạn chế của các liên đoàn, nhưng có chăng nguyên nhân bởi có quá nhiều người “Nhà nước” từ Tổng cục “ngồi” ở các liên đoàn, vốn tư duy được “bao cấp” đã ăn sâu?
Từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, trong đó nói rõ chủ trương đầu tư cao, tập trung vào một số môn, một số nội dung, một số VĐV mũi nhọn để giành huy chương Olympic và thế giới. Ngành Thể thao đã tích cực chuyển hướng đầu tư, không còn dàn trải mà phân nhóm các môn, các VĐV trọng điểm tập trung vào các môn Olympic cơ bản, theo công thức “3 trong 1” (lấy SEA Games để chuẩn bị cho Asiad, Olympic). Đó là một định hướng đúng, nhờ vậy mà các môn: điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, đua thuyền bật lên mạnh mẽ, có hàng loạt tài năng xuất sắc đứng đầu Đông Nam Á; dù rất ít vươn tới trình độ châu lục, thế giới lại càng không.
Tuy nhiên, không hiểu việc thực hiện “chiến lược” và “quy hoạch” ra sao mà nay, sau Olympic Tokyo 2020 lại bày ra một khoảng trống mênh mông về lực lượng. Với Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Tiến Minh hay cả Thạch Kim Tuấn…, đây đã là kỳ Olympic cuối cùng; lớp kế cận thay họ đến Olympic Paris sau đây 3 năm nữa là ai? Chưa thấy những cái tên xứng tầm. Có chăng tư duy nhiệm kỳ, “quy hoạch” chỉ đến năm 2020, 2021, thời điểm lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao hết tuổi, nghỉ; còn “tầm nhìn đến năm 2030” là chuyện của nhiệm kỳ tới?
Thể thao Việt Nam “vươn tầm châu Á, tấn công Olympic” đã được hồ hởi hô lên từ sau kỳ SEA Games đại thắng trên sân nhà năm 2003, nhưng sau gần 20 năm vẫn chỉ là khẩu hiệu.
Đông Kha
Bài 4: Muốn gặt phải gieo