Lần đầu tiên sau 13 năm, kể từ Olympic Bắc Kinh 2008, thể thao Việt Nam (TTVN) lại trắng tay ở một kỳ Thế vận hội. Không chỉ không có huy chương mà ngoài tay vợt nữ cầu lông Nguyễn Thùy Linh và võ sĩ quyền anh Nguyễn Văn Đương, tất cả 16 VĐV còn lại đều thi đấu dưới sức mình.
Lần đầu tiên sau 13 năm, kể từ Olympic Bắc Kinh 2008, thể thao Việt Nam (TTVN) lại trắng tay ở một kỳ Thế vận hội. Không chỉ không có huy chương mà ngoài tay vợt nữ cầu lông Nguyễn Thùy Linh và võ sĩ quyền anh Nguyễn Văn Đương, tất cả 16 VĐV còn lại đều thi đấu dưới sức mình, không ai hoàn thành được mục tiêu đầu tiên là vượt qua, hoặc chí ít là đạt được thành tích của chính mình.
Đây có thể là hình ảnh tiêu biểu cho đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2020 |
3 niềm hy vọng huy chương được nhắm đến ở 2 môn cử tạ và taekwondo đều thất bại vì chúng ta thụt lùi chứ không hoàn toàn do các đối thủ quá xuất sắc. Nhưng khó trách các VĐV. Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên sau khi tham dự Giải châu Á - vòng loại Olympic, từ Uzbekistan trở về nước phải cách ly y tế tới 2 lần với 42 ngày (do khu cách ly ở tỉnh Bình Dương phát hiện có ca dương tính Covid-19), không thể tập luyện và có chế độ ăn uống, dinh dưỡng đúng tiêu chuẩn. Đối với cử tạ, không VĐV nào được nghỉ quá 2 tuần, nếu nghỉ tập 1 tháng vì chấn thương sẽ mất thời gian nhiều hơn thế để lấy lại phong độ. Vậy mà đến đầu tháng 6-2021, 2 đô cử mới bước vào… làm lại từ đầu.
Taekwondo là đội tuyển duy nhất được tập huấn ở nước ngoài, nhưng để gần với Jordan, nơi thi đấu vòng loại Olympic, có chuyến bay và không phải cách ly y tế khi nhập cảnh, nên đã chọn Uzbekistan, Kazakhstan làm địa điểm tập huấn. 2 quốc gia Trung Á không mạnh về taekwondo nên VĐV Trương Thị Kim Tuyền không có đối tượng cọ xát đúng tầm và thất bại.
Cũng vì đại dịch, Huy Hoàng, tay bơi duy nhất đạt 2 chuẩn Olympic, suốt 7 tháng không có chuyên gia trực tiếp huấn luyện, có giai đoạn chỉ tập “chay” trên cạn. Ánh Viên thì như bị “bỏ quên”, không còn những chuyến tập huấn ở Mỹ với kinh phí vài tỷ đồng/năm, cô thậm chí không còn HLV riêng, chế độ ăn uống đặc biệt, tập luyện chỉ để duy trì.
Đó cũng là khó khăn mà những VĐV khác phải đối mặt. Điểm rơi, kế hoạch tập luyện phải điều chỉnh, thay đổi liên tục khi thầy trò thậm chí còn không biết Olympic liệu có diễn ra hay không?
Ngoài những phân bua từ lãnh đạo đoàn, bộ môn, HLV; hầu hết các VĐV đều chọn cách im lặng, không lên tiếng thanh minh, bào chữa. Thất bại với mỗi VĐV tự nó đã vô cùng cay đắng, vì thế dư luận không nên chê trách mà tội nghiệp, nhất là ở đấu trường Olympic trình độ, năng lực chỉ tới vậy. Tôi tin mỗi VĐV chúng ta tại Olympic Tokyo 2020 đã nỗ lực hết sức trong thi đấu, có điều với việc còn không đạt thành tích của chính mình, liệu đã nỗ lực hết sức vượt khó trong tập luyện hay chưa? Trách nhiệm ở đâu, phải chăng tất cả là do nguyên nhân khách quan dịch bệnh?
Đông Kha
Bài 2: Thụ động và chuẩn bị quá kém