Thể thao người khuyết tật Việt Nam (TTNKTVN) chính thức xuất hiện ở đấu trường Paralympic từ Sydney 2000 với 2 VĐV và đến Paralympic Rio 2016 mới giành huy chương, không phải 1 mà đến 4 tấm gồm: 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ.
Thể thao người khuyết tật Việt Nam (TTNKTVN) chính thức xuất hiện ở đấu trường Paralympic từ Sydney 2000 với 2 VĐV và đến Paralympic Rio 2016 mới giành huy chương, không phải 1 mà đến 4 tấm gồm: 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Đặc biệt, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công (49kg) không chỉ mang về HCV đầu tiên mà còn xuất sắc phá kỷ lục thế giới với tổng cử 183kg. HCB thuộc về VĐV bơi lội Võ Thanh Tùng (50m tự do), 2 HCĐ là Đặng Thị Linh Phương (cử tạ 50kg nữ) và Cao Ngọc Hùng (ném lao).
Sự quyết tâm tối đa đến từ vận động viên người Hà Tĩnh Lê Văn Công |
Ngoài Linh Phương, Lê Văn Công, Thanh Tùng và Ngọc Hùng đều tiếp tục có mặt trong số 7 VĐV của đoàn TTNKTVN tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, để bảo vệ thành tích là rất khó dù các VĐV đã được tập trung tập huấn từ đầu năm. Từng giành 40 HCV tại ASEAN Paragames (cùng với Seagames) Malaysia 2017 và 8 HCV tại Asian Paragames (Asiad) Indonesia 2018, nhưng suốt 3 năm qua, các VĐV khuyết tật không được thi đấu quốc tế do Philippines hoãn, rồi hủy bỏ ASEAN Paragames 2019 và sau đó là đại dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phong độ, trong đó niềm hy vọng số 1 Lê Văn Công còn gặp chấn thương vai hơn 1 năm qua và nay đã 37 tuổi.
Tuy nhiên, với các VĐV khuyết tật, những người đã chiến thắng số phận, càng những nghịch cảnh khó khăn, thử thách thì ý chí vượt lên càng lớn.
Trần Đỗ