Nếu từ bỏ quyền lợi chủ nhà ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, chúng ta sẽ mất rất nhiều. Trước hết, đội tuyển không chỉ mất lợi thế thi đấu trên mặt sân, bầu không khí quen thuộc mà sẽ không có được chỗ dựa tinh thần của hậu phương bên mình.
Nếu từ bỏ quyền lợi chủ nhà ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, chúng ta sẽ mất rất nhiều. Trước hết, đội tuyển không chỉ mất lợi thế thi đấu trên mặt sân, bầu không khí quen thuộc mà sẽ không có được chỗ dựa tinh thần của hậu phương bên mình. Về kinh tế, VFF sẽ tốn kém thêm hàng loạt chi phí rất lớn (di chuyển, ăn ở liên tục tại một nước thứ 3, thuê sân bãi tập luyện, thi đấu, tổ chức trận đấu…), trong khi lại thiệt hại về nguồn thu (khán giả, bản quyền truyền hình, biển quảng cáo, tài trợ…). Chưa kể việc đón tiếp 5 đội bóng hàng đầu châu Á đến Việt Nam với yêu cầu tiêu chuẩn cao cấp nhất sẽ kéo theo các nguồn thu khác của ngành dịch vụ.
Nếu từ bỏ quyền lợi chủ nhà ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, chúng ta sẽ mất rất nhiều |
Tuy nhiên, với việc ngay cả thầy trò HLV Park Hang-seo dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine và xét nghiệm âm tính trước khi từ UAE lên đường về nước mà vẫn phải cách ly tập trung 7 ngày (sau đó còn thêm 3 tuần tự cách ly ở nơi cư trú), thì Việt Nam không thể nào tổ chức (các đội khách chỉ đến trước trận đấu từ 4-7 ngày). Do vậy, VFF và Bộ VH-TTDL cần kiến nghị, có ý kiến với Bộ Y tế, Chính phủ xem xét. Kinh nghiệm tổ chức 4 lượt cuối ở vòng loại thứ 2 World Cup vừa qua của UAE cho thấy AFC và nước chủ nhà đã làm rất tốt công tác phòng dịch với quy trình “bong bóng” khép kín mà Việt Nam có thể học tập áp dụng. Hơn nữa, tính cả đội khách lẫn các quan chức, thành viên AFC, giám sát, trọng tài làm nhiệm vụ ở mỗi trận đấu cũng chỉ có tối đa 60 người nước ngoài đến Việt Nam.
Cần có một cơ chế đặc biệt để tận dụng được cơ hội lịch sử chưa từng có này. Hơn nữa, đến đầu tháng 9, đợt dịch Covid-19 hiện tại có thể sẽ được khống chế như chúng ta đã 3 lần thành công đưa Việt Nam trở thành điểm sáng với thế giới.
Trần Đỗ