"Chú là Nguyễn Bá Thanh đây, chú muốn cháu về thi đấu cho Đà Nẵng", cuộc điện thoại trực tiếp từ người đứng đầu thành phố bên bờ sông Hàn sau V.League 2003 đã chuyển cuộc đời và sự nghiệp của cựu tiền đạo số 1 đội tuyển Việt Nam (ghi 34 bàn trong 66 lần khoác áo) và Công an TP.HCM (60 bàn, 86 trận) sang bước rẽ hoàn toàn mới.
“Chú là Nguyễn Bá Thanh đây, chú muốn cháu về thi đấu cho Đà Nẵng”, cuộc điện thoại trực tiếp từ người đứng đầu thành phố bên bờ sông Hàn sau V.League 2003 đã chuyển cuộc đời và sự nghiệp của cựu tiền đạo số 1 đội tuyển Việt Nam (ghi 34 bàn trong 66 lần khoác áo) và Công an TP.HCM (60 bàn, 86 trận) sang bước rẽ hoàn toàn mới.
Sau 13 năm, HLV Lê Huỳnh Đức (phải) trả ghế HLV trưởng SHB.Đà Nẵng cho ông Phan Thanh Hùng |
Từ CLB Ngân hàng Đông Á, ra Đà Nẵng Huỳnh Đức nhận được những ưu ái đặc biệt: lương hậu hĩnh 18 triệu đồng/tháng (kỷ lục thời điểm ấy), được mua hóa giá còn cho trả góp nhiều năm căn nhà lầu mặt tiền (diện tích 5mx23m) giữa trung tâm thành phố với giá chỉ hơn 2 tỷ đồng. Có việc gì về đội bóng cần trao đổi, Huỳnh Đức có thể lên gặp trực tiếp Bí thư Thành ủy.
Mùa giải 2008, Ngân hàng SHB gắn tên với đội bóng sông Hàn. 3 trận đầu tiên dưới sự chỉ đạo của HLV Phan Thanh Hùng toàn thua, “bầu” Hiển từ Hà Nội bay vào họp khẩn và chỉ định trợ lý Huỳnh Đức lên thay. Ngay mùa sau đó, SHB.Đà Nẵng giành luôn cú đúp vô địch V.League và Cúp QG. Ngày đăng quang, trên khán đài B sân Chi Lăng, bên cạnh tấm băng-rôn “Sông Hàn dậy sóng” là bức chân dung vị HLV trưởng mới 37 tuổi thật lớn. Sau đó, Huỳnh Đức còn cùng SHB.Đà Nẵng có thêm một chức vô địch V.League 2012 và Siêu cúp QG cùng năm, á quân năm 2013. Thành công như vậy nhưng ở sông Hàn, Huỳnh Đức ít được lòng, thậm chí gặp đố kỵ cho rằng anh dựa hơi lãnh đạo chuyên quyền, thiếu đắc nhân tâm. Cầu thủ cũng bằng mặt mà không bằng lòng bởi phong cách lãnh đạo độc đoán, “bàn tay sắt” của HLV trưởng (đang ngồi nhậu cầu thủ có thể nhận được điện thoại của HLV chỉ vanh vách: ngồi quán nào, đã uống bao nhiêu chai...).
Nhưng không hào quang nào kéo dài mãi, sau vị trí hạng 3 V.League 2016 cùng với sự giảm hầu bao của “bầu” Hiển, SHB.Đà Nẵng bắt đầu trượt dài, rơi xuống hạng 9 rồi 10 và mùa rồi còn phải đua trụ hạng. Quyết chặn đứng đà tụt dốc, Huỳnh Đức đã có sự chuẩn bị rất kỹ và rất sớm về lực lượng cho V.League 2021 và đội bóng sông Hàn đã có sự khởi đầu tuyệt vời với 3 trận toàn thắng, dẫn đầu sau 4 vòng đầu tiên. Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu mất kiểm soát, đội bóng của Lê Huỳnh Đức đã không biết thắng trong 5 trận liền, trong đó nhận đến 4 thất bại. 2 trận thua liên tiếp trên sân nhà trước CLB Sài Gòn và Viettel khiến SHB.Đà Nẵng từ vị thế ứng cử viên rơi vào nguy cơ lại đi “chung kết ngược” là giọt nước tràn ly. Không chấp nhận HLV trưởng cứ đổ lỗi cho các học trò, CĐV sông Hàn đòi Huỳnh Đức từ chức. Với một người cái tôi lớn như Huỳnh Đức thì chấp nhận “nửa đường gãy gánh” hẳn là quyết định rất khó khăn.
“Có lẽ tôi ở Đà Nẵng đã quá lâu. Khi tôi đi học, các thầy bảo HLV chỉ nên làm việc ở mỗi đội 3 năm rồi nghỉ, bởi hết chu kỳ 3 năm, động lực của HLV cũng như các cầu thủ sẽ giảm sút. Đà Nẵng cần thay đổi, tôi cũng cần thay đổi”. Tiếc là Lê Huỳnh Đức nhận ra điều này quá muộn, 17 năm gắn bó, trong đó có 13 năm trên ghế HLV là quãng thời gian quá dài, đến mức 2 con anh giờ đây đã nói rặt giọng Đà Nẵng. Người ta lại nói đến khả năng Đức sẽ quay lại TP.HCM, nơi anh sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nhất là trong bối cảnh 2 đội bóng thành phố cùng đang khủng hoảng trong khi các ông chủ thì thừa tham vọng. Nhưng những con người ở đây có “ưa” cá tính của tên tuổi từng một thời là niềm tự hào của bóng đá TP.HCM.
Đông Kha