Làng cầu thế giới đang rúng động bởi "quả bom" European Super League (ESL). Nếu giải vô địch…siêu quốc gia này trở thành hiện thực nó sẽ làm thay đổi và tạo nên những hệ quả khôn lường không chỉ đối với nền bóng đá châu Âu mà cả hành tinh. Để bạn đọc nắm rõ về "siêu dự án" này, Báo Đồng Nai xin cung cấp cái nhìn toàn cảnh.
Làng cầu thế giới đang rúng động bởi “quả bom” European Super League (ESL). Nếu giải vô địch…siêu quốc gia này trở thành hiện thực nó sẽ làm thay đổi và tạo nên những hệ quả khôn lường không chỉ đối với nền bóng đá châu Âu mà cả hành tinh. Để bạn đọc nắm rõ về “siêu dự án” này, Báo Đồng Nai xin cung cấp cái nhìn toàn cảnh.
Chắc gì ESL hấp dẫn mãi khi các cặp đấu đỉnh cao cứ lặp đi lặp lại hằng năm đến nhàm chán, không có yếu tố bất ngờ, kịch tính từ những kẻ chiếu dưới |
* ESL là gì?
12 CLB hàng đầu châu Âu gồm nhóm “Big six” Ngoại hạng Anh: Man United, Man City, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham cùng 3 CLB hàng đầu của Italy và Tây Ban Nha: AC Milan, Inter, Juventus, Real Madrid, Barcelona, Atletico cùng tuyên bố chính thức thành lập ESL. Ngoài 12 thành viên này, sẽ có thêm 3 CLB nữa được mời vào nhóm “sáng lập”. Hằng năm, ESL sẽ mời thêm 5 đội bóng để tham dự giải, mà lần đầu tiên có thể diễn ra ngay vào tháng 8 tới.
Các đội bóng này vẫn tham dự Giải VĐQG nhưng đây là giải đấu “ly khai” thay cho UEFA Champions League. Rõ ràng với một sân chơi hiện diện 20 CLB giàu truyền thống, hùng mạnh nhất thế giới, quy tụ nhiều ngôi sao nhất, có lượng fan đông đảo nhất, hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn. Tất cả các trận đấu đều là “thượng đỉnh”, không có tình trạng nhàm chán bởi sự quá chênh lệch giữa một “ông lớn” với một CLB ít tên tuổi đến từ các nền bóng đá trung bình ở châu Âu như vòng bảng Champions League.
* Cái lý của kẻ giàu
“Ông trùm” Florentino Perez, Chủ tịch CLB Real Madrid, đồng thời cũng là Chủ tịch “nhóm ly khai” khẳng định sự ra đời của ESL là để “cứu bóng đá”, giống như Cúp C1 đã làm trong những năm 50 của thế kỷ trước. Vị lãnh đạo của “nhóm sáng lập” giải thích, bóng đá là môn thể thao toàn cầu duy nhất có hơn 4 tỷ người theo dõi nhưng do đại dịch Covid-19 các CLB chịu thiệt hại nặng nề và không có thu nhập nào ngoài tiền truyền hình. Do đó, để tăng doanh thu phải có nhiều trận đấu hấp dẫn giữa các CLB lớn hơn. “Barcelona đấu với M.U mang tính giải trí, thu hút hơn so với gặp một đội bóng khiêm tốn. Vậy thì cả thế giới muốn xem gì hơn?”.
Ông Perez kết luận hùng hồn: “Như mọi thứ trong cuộc sống, bóng đá phải phát triển, phải thích ứng với hoàn cảnh đang sống. Bóng đá hiện tại không còn hấp dẫn. Tiền bản quyền truyền hình đang giảm. Các đội bóng lớn đá với nhau sẽ làm cho các trận đấu trở nên hấp dẫn. Giá trị bản quyền truyền hình sẽ tăng lên. Các đội kiếm được nhiều tiền hơn”. Đồng Chủ tịch M.U và là Phó chủ tịch ESL cũng hứa hẹn: “Những đội bóng và cầu thủ hàng đầu thế giới sẽ chạm trán nhau xuyên suốt mùa giải. Super League sẽ mở ra một chương mới cho bóng đá châu Âu với chất lượng hàng đầu và tài chính vững mạnh”.
Khẳng định ESL không chỉ vì lợi ích của các CLB giàu có mà muốn cứu cả nền bóng đá thế giới trong lúc đang nguy kịch, nhưng trước câu hỏi vậy thì các đội bóng nhỏ, không được tham dự siêu giải đấu này được gì, các nhà sáng lập cho rằng: Nếu các CLB lớn kiếm được nhiều tiền hơn, họ sẽ... mua cầu thủ, giúp các CLB còn lại cũng “sống”?!?
* Kịch liệt ngăn chặn
Cùng với lập tức công bố những thay đổi của Champions League với số đội tham dự tăng từ 32 lên 36 đội từ mùa giải 2024-2025 và thể thức giúp giải hấp dẫn hơn, tránh được việc các đội mạnh đối đầu với đội quá yếu, UEFA triệu tập ngay cuộc họp bất thường khẩn cấp vào thứ sáu này. Những biện pháp mạnh tay sẽ được thảo luận, quyết định như cấm các đội dự ESL tham gia các giải quốc nội lẫn các giải do UEFA tổ chức, thậm chí thẳng thừng loại luôn các CLB “ly khai” đã vào bán kết Champions League và Europa League; cấm các cầu thủ không được dự EURO. FIFA cũng lên tiếng đe dọa không cho các cầu thủ dự ESL góp mặt tại World Cup.
Không chỉ 2 tổ chức bóng đá lớn nhất bị đụng chạm đến quyền lực, nhiều chính trị gia, các cựu danh thủ, đặc biệt ngay cả các HLV, cầu thủ và CĐV của các CLB có tên trong nhóm sáng lập cũng lên tiếng cực lực phản đối, đả kích chính các ông chủ của mình. 3 “ông lớn” được nhắm đến mời vào nhóm 15 thành viên “khai quốc công thần” là Bayern Munich, Dortmund và PSG đã sớm lên tiếng từ chối tham gia vì “không tin ESL sẽ giải quyết được vấn đề tài chính và cấu trúc hiện tại của bóng đá đảm bảo một nền tảng đáng tin cậy hơn”.
* Điều gì sẽ xảy ra?
Bất chấp Bộ trưởng Văn hóa Anh tuyên bố sẽ sử dụng tất cả những công cụ pháp lý để “tiêu diệt” ESL, 3 CLB M.U, Chelsea và Arsenal quyết định rút khỏi Hiệp hội CLB châu Âu; Chủ tịch CLB Juventus Agnelli cũng từ chức Chủ tịch Hiệp hội (để đảm nhận đồng phó chủ tịch ESL?). Điều này cho thấy “những kẻ nổi loạn” không chỉ quyết tâm “ly khai” mà còn tin không ai ngăn được họ, ngay cả một cuộc chiến pháp lý với UEFA và FIFA.
Nếu ESL thắng sẽ làm thay đổi hoàn toàn mặt bằng chung của bóng đá, phá vỡ cấu trúc của không chỉ 2 Cúp châu Âu mà cả các giải VĐQG (đua tốp 4, tốp 6 để làm gì nữa?), đe dọa các nguyên tắc về đoàn kết và giá trị thể thao. Tiền bạc là gốc rễ vấn đề. Ước tính 20 đội bóng tham gia ESL có thể kiếm được 300-350 triệu euro ngay mùa đầu tiên (gấp đôi so với đội vô địch Champions League). Thay vì đoàn kết, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hoàn cảnh đại dịch thì các “đại gia” lại muốn đóng cửa lại chơi với nhau, mà đích đến cuối cùng là những khoản tiền kếch xù. Đó là toan tính của sự ích kỷ, tham lam. Người giàu sẽ ngày càng giàu hơn và kẻ nghèo bị đẩy ra rìa hoặc càng nhận ít hơn, cho đến khi khoảng cách trở thành vực thẳm đe dọa sự tồn vong của các nền bóng đá.
Trần Đỗ - Trung Dũng