V.League trở lại vào cuối tuần này với 5 trận đấu bù vòng 3 và sẽ chạy đua với thời gian để hoàn tất vòng 10 vào ngày 18-4. 5 tuần cho 8 vòng đấu, có nghĩa trong vòng 35 ngày các đội phải chơi liên tục 7-8 trận.
V.League trở lại vào cuối tuần này với 5 trận đấu bù vòng 3 và sẽ chạy đua với thời gian để hoàn tất vòng 10 vào ngày 18-4. 5 tuần cho 8 vòng đấu, có nghĩa trong vòng 35 ngày các đội phải chơi liên tục 7-8 trận. Mật độ thi đấu rất dày, trung bình từ 4,1-4,5 ngày/trận, thậm chí có đội chỉ có quãng nghỉ 3 ngày giữa 2 vòng đấu, vừa đá vừa di chuyển.
Có lực lượng dày nhất nhưng 2 CLB Hà Nội và Viettel chịu ảnh hưởng nặng nhất vì có nhiều cầu thủ còn phải cống hiến cho đội tuyển quốc gia |
Năm ngoái, dù giải phải dừng 2 lần vì Covid-19 nhưng khi trở lại ở lần đầu mật độ thi đấu từ vòng 3-11 trung bình chỉ 5,4 ngày/trận, lần thứ 2 từ vòng 11 đến khi kết thúc là 4,8 ngày/trận.
Chưa bao giờ các đội bóng Việt Nam phải ra sân với nhịp độ dồn dập, khắc nghiệt đến như vậy. Vừa đá xong trận này tranh thủ nghỉ ngơi, hồi phục, di chuyển, chuẩn bị lại bước vào trận tiếp theo. Với kiểu thi đấu “cuốn chiếu” ấy, nếu không tích lũy thể lực thật tốt, không biết phân phối hợp lý và không có chiều sâu đội hình, hệ quả sẽ khôn lường.
Rõ ràng chặng Tourmalet 8 vòng đấu tới sẽ vô cùng khốc liệt và sẽ hết sức khó lường. Thể lực sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, còn chiều sâu đội hình sẽ là yếu tố quyết định cho cuộc chiến đường dài. Trình độ của 14 CLB mùa này có thể nói là sàn sàn nhau nhưng với việc “dồn toa” dày đặc như thế này đội nào có lực lượng dày, đồng đều để có thể xoay tua đội hình qua từng vòng đấu sẽ giảm tải, tránh được cho các cầu thủ chấn thương vì quá tải. Vì thế trong cuộc đua thể lực, sức bền khắc nghiệt này khó có thể nói trước điều gì.
Phương Duy