Trận HAGL - TP.HCM sẽ là tâm điểm vòng 6 V.League chiều mai, chủ nhật 28-3. Trận đấu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt chuyên môn giữa một đội đang đứng đầu bảng xếp hạng với một ứng viên đầy tham vọng nhưng đang lâm vào khủng hoảng, mà còn mang đến rất nhiều cảm xúc.
Trận HAGL - TP.HCM sẽ là tâm điểm vòng 6 V.League chiều mai, chủ nhật 28-3. Trận đấu này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt chuyên môn giữa một đội đang đứng đầu bảng xếp hạng với một ứng viên đầy tham vọng nhưng đang lâm vào khủng hoảng, mà còn mang đến rất nhiều cảm xúc. Cuộc đối đầu giữa 2 HLV từng cầm quân ở Thai League, Công Phượng gặp lại đội bóng mình từng đóng góp 6 bàn thắng mùa rồi và trên hết là cuộc trở lại Phố núi của Lee Nguyễn sau đúng 10 năm.
Ngày Lee Nguyễn là thần tượng ở Phố núi, Công Phượng còn là cậu bé nhặt bóng; 10 năm sau họ là đồng nghiệp bên kia chiến tuyến |
Năm 2009, cầu thủ có tên tiếng Việt Nguyễn Thế Anh trở về quê cha, đầu quân cho HAGL với bản hợp đồng “bom tấn”, hưởng mức lương 10 ngàn USD/tháng, một con số “khủng khiếp” vào thời giá bấy giờ. Sau 2 chức vô địch liên tiếp 2003 và 2004, HAGL chỉ về thứ 4 ở các mùa giải 2005 và 2006, “tượng đài” Kiatisak trở về Thái Lan. Với ngôi sao từng thi đấu cho CLB PSV Eindhoven (Hà Lan), “bầu” Đức tuyên bố 98% cúp sẽ trở về Phố núi. Lee Nguyễn lập tức chứng tỏ đẳng cấp xứng đáng với sự kỳ vọng. Ngay trận đầu tiên ra mắt, anh đã lập cú hat-trick vào lưới CLB Sài Gòn United và kết thúc mùa giải 2009 với 12 bàn thắng (9 bàn ở V.League), 16 pha kiến tạo, là “Cầu thủ xuất sắc nhất tháng 5” và có tên trong đội hình tiêu biểu năm ấy. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của 2 HLV người Thái Dusit rồi Chatchai, HAGL chỉ cán đích ở vị trí thứ 6.
Mùa giải 2010, “bầu” Đức vời lại công thần Kiatisak trên chiếc ghế HLV với hy vọng “Zico Thái” và Lee Nguyễn sẽ tạo nên cặp “song kiếm hợp bích” giữa ngoài và trong sân. Nhưng thật bất ngờ, 2 vòng đầu tiên ngôi sao đắt giá nhất Phố núi bị HLV loại khỏi đội hình xuất phát, HAGL không thắng. Đến trận thứ 3, khi bị Hòa Phát dẫn 2-1, phút 75 Kiatisak mới yêu cầu Lee Nguyễn khởi động để vào sân, nhưng học trò từ chối. Đó là dấu chấm hết cho cuộc tình ngắn ngủi chỉ hơn 1 năm của tiền vệ Việt kiều Mỹ ở Pleiku. HLV Kiatisak không chấp nhận tác phong sinh hoạt “ngôi sao” của một cầu thủ, còn Lee Nguyễn nói: “HLV không thích tôi…”. Một rừng không thể 2 cọp, “bầu” Đức buộc phải chọn 1 và ông chọn công thần người Thái.
Chia tay với đội bóng Phố núi, Lee Nguyễn về TP.HCM xin tập luyện cùng đội hạng Nhất để duy trì thể lực và ký hợp đồng khoác áo CLB B.Bình Dương ở giai đoạn 2 (năm ấy HAGL về thứ 7, B.Bình Dương thứ 8). Trong 1,5 mùa thi đấu cho “Chelsea Việt Nam”, anh ra sân 20 trận nhưng chỉ ghi 2 bàn thắng.
Trở về Mỹ, 9 năm sau đó ở Giải Nhà nghề MLS là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của Lee Nguyễn. Trong màu áo CLB New England Revolution, tiền vệ này đặt dấu giày trong gần 100 bàn thắng, được HLV Klinsmann triệu tập vào đội tuyển Mỹ.
Đúng 10 năm sau, anh trở lại V.League với sự chín chắn, bản lĩnh và từng trải hơn nhiều. Trùng hợp Kiatisak cũng vậy. Tuy nhiên, nếu Lee Nguyễn, 35 tuổi, đã bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp cầu thủ thì Kiatisak, 48 tuổi, ở độ chín của sự nghiệp cầm quân. Thành tích 2 CLB của họ cũng phản ánh điều đó. Nếu HAGL cùng Kiatisak đang thăng hoa trên ngôi đầu bảng thì CLB TP.HCM của Lee Nguyễn đã rơi xuống vị trí thứ 3 từ dưới đếm lên, cá nhân anh với hơn nửa tỷ đồng mỗi trận ra sân, phải gồng gánh sự kỳ vọng quá lớn trong bối cảnh lạc lõng giữa 3 tiền đạo người Brasil.
Chiều mai, “đi dăm phút (10 năm) trở lại chốn cũ”, với Lee Nguyễn “em Pleiku” có còn “má đỏ môi hồng” và sẽ còn chút gì để nhớ hay quên?
Đông Kha