Cuộc "cách mạng" của CLB Sài Gòn có phần gây ngỡ ngàng bởi quá nhiều thay đổi dồn dập chỉ trong hơn 1 năm, nhưng nếu nhìn lại bước đi người ta thấy rất căn cơ, lớp lang theo một định hướng chiến lược rõ ràng.
Cuộc “cách mạng” của CLB Sài Gòn có phần gây ngỡ ngàng bởi quá nhiều thay đổi dồn dập chỉ trong hơn 1 năm, nhưng nếu nhìn lại bước đi người ta thấy rất căn cơ, lớp lang theo một định hướng chiến lược rõ ràng.
“Bầu” Bình (thứ 2 từ trái sang) và các “cánh tay” Nhật Bản. Hiện CLB Sài Gòn có 7 nhân vật đến từ J.League: 3 chuyên gia quản lý, đào tạo; 3 cầu thủ và 1 chuyên gia vật lý trị liệu |
Ở mùa giải đầu tiên tiếp quản đội bóng (năm 2020), các ông chủ mới đều ẩn danh, thay đổi duy nhất là Chủ tịch điều hành CLB Vũ Tiến Thành kiêm vị trí HLV trưởng từ HLV Hoàng Văn Phúc - “người” của “bầu” Hiển. Trong hậu trường, lãnh đạo CLB mua lại Trung tâm Thể thao Thành Long và ký văn bản hợp tác toàn diện với FC Tokyo ở J.League 1.
Trước thềm mùa giải 2021, CLB Sài Gòn gây “sốc” khi “thanh lý môn hộ” 22 cầu thủ và thành viên. Động thái này như sự đoạn tuyệt với quá khứ CLB Hà Nội B để hoàn toàn “bình mới, rượu mới”. Tiếp đó, “ông bầu” Trần Hòa Bình chính thức ra mắt với chức danh Chủ tịch CLB, đồng thời giữa dịch bệnh Covid-19 hàng loạt cố vấn, chuyên gia, cầu thủ Nhật Bản bay sang Việt Nam. Trong một diễn tiến tưởng như không liên quan: Vingroup chuyển giao toàn bộ Trung tâm PVF cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, mà sau đó người ta mới rõ cũng là các ông chủ của CLB Sài Gòn. Với đại bản doanh đồng thời làm nhiệm vụ hoạt động bóng đá cộng đồng tại TP.HCM và trung tâm đào tạo trẻ quy mô, hiện đại bậc nhất châu Á tại Hưng Yên trong tay, cuộc cách mạng nhân sự “Nhật hóa” được tiến hành. Trong đó, 2 vị trí đáng chú ý nhất là HLV trưởng (ông Shimoda Masahiro) và Phó giám đốc điều hành (Fujikawara Kenzo)...
Giải thích cho tham vọng đầy hoài bão, Chủ tịch CLB Sài Gòn Trần Hòa Bình tóm tắt chiến lược trong 9 chữ “chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa, J.League hóa” và phương pháp là “vừa đi tắt đón đầu vừa phát triển bền vững”. Có thể nói, đây là mô hình làm bóng đá hoàn toàn mới, có vẻ toàn diện và chú trọng đến chân đế vững vàng hơn. Cũng thuận lợi hơn so với “bầu” Đức, “bầu” Hiển…, khi đứng sau CLB Sài Gòn không chỉ một mà là các ông chủ của một tập đoàn đa ngành nghề. Mong lắm thay mô hình đầy tham vọng này sẽ cho trái ngọt, mở ra hướng đi chuyên nghiệp cho các CLB, khi ấy cả nền bóng đá sẽ hưởng lợi.
Bản thân người viết chỉ có 2 băn khoăn gửi đến “ông bầu” 46 tuổi mới nổi với tuyên bố “đã làm là làm cho đáng, đã chơi là chơi cho đẹp” và sẽ “làm bóng đá Sài Gòn đến hơi thở cuối cùng”; đó là với “cuộc cách mạng Đông du”, J.League hóa tuyệt đối liệu có “bỏ trứng vào cùng một giỏ” và bao giờ, bằng cách nào bóng đá sẽ nuôi bóng đá ở CLB Sài Gòn?
Đông Kha