Không phải "trứng vàng", chỉ... trứng ốp la để ăn sáng thôi! Không thể tự nuôi mình nhưng đã là bóng đá chuyên nghiệp thì ít ra phải có thể trang trải một phần hoạt động của mình.
Không phải “trứng vàng”, chỉ... trứng ốp la để ăn sáng thôi! Không thể tự nuôi mình nhưng đã là bóng đá chuyên nghiệp thì ít ra phải có thể trang trải một phần hoạt động của mình.
Bán áo đấu với bóng đá Việt Nam chỉ mới là “cho có với người ta” |
[links()]So sánh với thế giới, nhất là châu Âu là quá khập khiễng nhưng trong một nền bóng đá chuyên nghiệp cơ cấu nguồn thu của một CLB thông thường là: khoảng 14% tổng doanh thu từ trận đấu và 86% còn lại là thương mại và bản quyền truyền hình (40%).
Doanh thu từ trận đấu trước hết là bán vé. “Máu” bóng đá người Việt mình không thua kém bất cứ ai nhưng “kho báu” này vẫn chưa được các đội bóng khai thác đúng mức. Giá vé xem V.League quá “bèo”, có sân thấp nhất chỉ 10 ngàn đồng, thậm chí có lúc còn mở cửa tự do. Bởi sợ giá cao thì lượng khán giả đến sân giảm đi, ảnh hưởng khí thế của đội nhà và quyền lợi quảng bá của nhà tài trợ. Đó là suy nghĩ “cò con”, để thu hút khán giả không phải là giá vé rẻ mà là điều kiện, tiện nghi sân bãi từ thảm cỏ, chỗ ngồi cho đến...nhà vệ sinh.
Nhưng doanh thu từ trận đấu (được gọi chung là matchday) không chỉ là bán vé. Thống kê cho thấy trong vài mùa giải gần đây lượng khán giả đến sân ở Thai.League không bằng V.League nhưng tại sao họ “gặt hái” lớn hơn gấp nhiều lần, đó là nhờ biết cách khai thác từ nhiều dịch vụ tích hợp. Phải biết cách “móc túi” khán giả từ các dịch vụ xoay quanh như nhu cầu ăn, uống trước, trong và sau trận đấu; mua sắm, giải trí...
Thương mại là các hoạt động kinh doanh, trong đó khoản thu lớn nhất là từ các bảng quảng cáo trên sân (chỉ với việc đầu tư bảng quảng cáo điện tử đã giúp CLB TP.HCM tăng vọt giá trị thương mại các trận sân nhà). Một nguồn thu đáng kể của bóng đá chuyên nghiệp thế giới nhưng với các CLB Việt Nam (kể cả ĐTQG) mới chỉ là khái niệm, đó là kinh doanh áo đấu và các vật phẩm lưu niệm. Áo đấu phải nhiều giá, nhiều kích cỡ; sản phẩm lưu niệm (có logo CLB) phải đa dạng hóa, đủ loại từ cờ quạt, khăn quàng, huy hiệu cho đến những vật thông dụng như: nón, móc khóa, cây viết, cái hộp quẹt, áo gối (có hình ngôi sao đội bóng để “gối đầu nằm mộng”), thậm chí bàn chải đánh răng... Giá có thể rất rẻ, chỉ đôi chục ngàn nhưng cũng có sản phẩm rất đắt, đáp ứng mọi tầng lớp, đối tượng khán giả.
Đừng nghĩ đây là kiếm bạc cắc, chỉ tính riêng tiền bán áo đấu và vật phẩm lưu niệm, CLB Buriram của Thái Lan mà Xuân Trường từng khoác áo, kiếm mỗi mùa khoảng 300-400 triệu bath (gần 300 tỷ đồng). Con số bằng... 6 lần kinh phí hoạt động trung bình hằng năm của một CLB V.League(!) Vì quen an nhàn với “bao cấp” từ “ông bầu”, nhà tài trợ và Nhà nước nên bản thân lãnh đạo, chủ tịch, giám đốc điều hành các đội bóng của chúng ta (rất nhiều vốn là công chức của ngành thể thao chuyển sang, thậm chí có người đã nghỉ hưu) “lười” tư duy để tìm ra các giải pháp kinh doanh từ bóng đá.
Nhưng muốn có doanh thu từ trận đấu, thương mại thì điều kiện đầu tiên là bản thân đội bóng phải có sức hút. Sức hút đến từ các ngôi sao, từ bản sắc địa phương (cầu thủ là con em tỉnh nhà chiếm ít nhất 50% đội hình), từ đá “sạch” và phải có thành tích nhất định (có ai bỏ tiền mua áo đấu của đội rớt hạng hay chơi bê bết?).
Cùng với đó phải chú trọng đến công tác truyền thông, làm thương hiệu. TP.HCM có lẽ là CLB duy nhất có hẳn một ban truyền thông riêng với đầy đủ đội ngũ sản xuất, biên tập... để chăm chút hình ảnh từng cầu thủ và đội bóng. Nếu biết làm tốt, CLB còn có thể khai thác thêm nguồn thu từ YouTube, từ tỷ lệ % quảng cáo của các nhãn hàng đối với hình ảnh các cầu thủ ngôi sao của mình, vốn cũng là người của công chúng mà độ “hot” nào kém những ngôi sao showbiz.
Ngoài ra nếu công tác đào tạo trẻ hiệu quả thì bán cầu thủ (trước khi đến 25 tuổi hết hợp đồng đào tạo) là nguồn thu rất đáng kể. Benfica, Porto, Ajax... là những CLB còn sinh lời so với số tiền bỏ ra mua sắm. Khi ấy đào tạo trẻ không phải là gánh nặng mà trở thành “mỏ vàng” cho CLB.
Cuối cùng, “miếng bánh” lớn nhất (thường chiếm từ 40% doanh thu trở lên của các CLB chuyên nghiệp thế giới nhưng với bóng đá Việt Nam gần như “tình cho không biếu không”) là bản quyền truyền hình. Đây là vấn đề chúng tôi đã không ít lần đề cập. Đã đến lúc VPF cần tự tin vào thương hiệu của V.League, thậm chí dám chấp nhận 1, 2 mùa chỉ trực tiếp trên internet để tiến hành đấu giá bản quyền truyền hình.
Đó là những vấn đề của 5-10 năm tới, còn về lâu về dài để phát triển bền vững thì phải hướng đến mô hình doanh nghiệp bóng đá đại chúng (CĐV cũng sở hữu cổ phần CLB).
Rõ ràng sau 20 năm chuyên nghiệp, Bộ VH-TTDL, Tổng cục Thể dục thể thao, VFF cần tổng kết đã làm gì và chưa được gì? Các CLB được gắn mác chuyên nghiệp, nhưng chất lượng nhân lực, mô hình hoạt động, tài chính, thương mại, hình ảnh... đã chuyên nghiệp chưa? Bóng đá ở Việt Nam có tác động xã hội rất lớn nên phải có chiến lược phát triển riêng, trong đó những vấn đề về cơ chế chuyên nghiệp muốn tháo gỡ phải từ cấp Chính phủ.
Minh Chung