Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ IV (2020-2023). Trong 7 thành viên HĐQT mới, nói như ngôn ngữ bóng đá chỉ là sự thay người chứ hoàn toàn không mang ý nghĩa thay đổi "chiến thuật".
Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ IV (2020-2023). Trong 7 thành viên HĐQT mới, nói như ngôn ngữ bóng đá chỉ là sự thay người chứ hoàn toàn không mang ý nghĩa thay đổi “chiến thuật”.
Cùng vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam , VPF của Chủ tịch Trần Anh Tú (trái) và VFF của Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn phải cùng hỗ trợ nhưng độc lập lẫn nhau |
* Bình mới rượu cũ
3 đại diện cho 35,4% vốn góp của VFF vẫn là ông Trần Anh Tú, thường trực VFF, bà Đinh Thị Thu Trang, Phó tổng thư ký (TTK) VFF), chỉ có ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó TTK VFF thay TTK Lê Hoài Anh.
Trong 4 ghế ủy viên đại diện các CLB, các ông Nguyễn Quốc Hội (CLB Hà Nội), Lê Minh Dũng (Phố Hiến), Nguyễn Tiến Dũng (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) thế chỗ của các ông Phạm Thanh Hùng (CLB Than QN), Nguyễn Hồng Thanh (SLNA), Trần Lâm Vũ (Đồng Tháp) của khóa III. Khá ngạc nhiên chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng vướng tai tiếng lớn ở nhiệm kỳ trước vẫn tại vị HĐQT chỉ phải nhường chức Phó chủ tịch cho ông Nguyễn Quốc Hội.
Nét mới duy nhất là Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thôi kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, thay vào đó là ông Nguyễn Minh Ngọc (cũng đồng thời là tân Phó chủ tịch HĐQT). Nhưng đây là gương mặt mới mà không mới, ông Ngọc từng giữ chức Phó tổng giám đốc kiêm trưởng BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp giai đoạn 2015-2018 dưới dạng biệt phái từ VFF (là Trưởng phòng Tổ chức thi đấu).
* Cần trở lại tôn chỉ ban đầu
Sau quả bom bùng nổ tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF của ông “bầu” Nguyễn Đức Kiên (khi ấy là chủ tịch CLB Hà Nội ACB), 9 năm trước cũng vào một ngày cuối năm VPF ra đời. Việc tách khỏi cơ quan quản lý Nhà nước VFF, là doanh nghiệp trực tiếp quản lý, tổ chức và điều hành Giải bóng đá chuyên nghiệp là bước đột phá trong quá trình chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa theo mô hình và xu thế phát triển chung của các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới.
Sau khi 3 doanh nhân sáng lập, “bầu” Kiên sa vòng lao lý, rồi “bầu” Đức, “bầu” Thắng rút lui, con thuyền VPF có lúc chao đảo, mất phương hướng. Ở nhiệm kỳ III ông Võ Quốc Thắng nhường ghế chủ tịch VPF cho “ông bầu” futsal Trần Anh Tú (kiêm cả chức Tổng giám đốc). Đã có không ít hoài nghi vì là người “ngoại đạo” với bóng đá 11 người, nhưng với nhiệt huyết, khả năng quản trị, nhất là có nhiều thời gian xắn tay vào làm trực tiếp hơn ông Tú đã làm được nhiều điều, trong đó quyết tâm tổ chức thành công mùa giải vừa qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là dấu ấn đáng ghi nhận. Tuy nhiên may mắn cho cá nhân ông Tú và nhiệm kỳ III của VPF là thừa hưởng những thành công của ĐTQG và U.23 khiến bóng đá nội cũng “lên hương”.
VPF cùng 3 giải đấu hàng đầu đã chuyên nghiệp hơn từ công tác tổ chức thi đấu, cải thiện đáng kể về hình ảnh, chất lượng cũng như giá trị thương mại. Bản thân các CLB và các thành viên cũng ý thức hơn về quyền, nghĩa vụ liên quan của mình. Dù vậy, so với tinh thần: “Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới” được hướng tới của VPF, còn nhiều đưa chưa đáp ứng như sự kỳ vọng mong đợi. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong bộ máy, vừa thiếu người giỏi, nhiệt tâm lại không khác gì một cánh tay nối dài của VFF. Trên danh nghĩa VPF hoạt động độc lập nhưng cái bóng cơ chế của VFF vẫn quá lớn.
Công tác điều hành giải cũng còn nhiều bất cập, những tiêu cực, vấn đề tồn tại trong đời sống bóng đá vẫn tồn tại, chưa được giải quyết rốt ráo. Đặc biệt giá trị thương mại giải, bản quyền truyền hình bóng đá vẫn quá khiêm tốn.
VPF cần được và khẳng định vị trí độc lập của mình nhiều hơn, như việc bổ sung, sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cập nhập theo tình hình thời sự của giải đấu (chẳng hạn việc trừ điểm với CLB có CĐV đốt pháo sáng), thay vì tất cả phải được Ban chấp hành VFF bàn bạc, quyết định.
Đông Kha