Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiễn cựu vương xứ Quảng

09:11, 03/11/2020

Mùa thứ 2 liên tiếp phải nhận tấm vé rớt hạng V.League là đại diện miền Trung. Nhưng không như S.Khánh Hòa, thực sự CLB Quảng Nam không gây nhiều tiếc nuối.

Mùa thứ 2 liên tiếp phải nhận tấm vé rớt hạng V.League là đại diện miền Trung. Nhưng không như S.Khánh Hòa, thực sự CLB Quảng Nam không gây nhiều tiếc nuối.

Sau Long An, đội bóng xứ Quảng là nhà vô địch thứ 2 trong lịch sử V.League phải xuống hạng nhưng lập kỷ lục là cựu vương thoái trào nhanh nhất (chỉ 3 năm so với Long An 5 năm). Nếu mùa giải 2017, CLB Quảng Nam lên ngôi nhờ hơn Thanh Hóa về thành tích đối đầu (cùng 48 điểm và thua hiệu số) thì giờ đây họ trở lại hạng Nhất vì chỉ kém Nam Định hiệu số (-13 so với -11). Nhưng đó là “cái chết” không hề oan uổng chút nào.

Toàn giải, CLB Quảng Nam đã cầm đèn đỏ tới 11/18 vòng, là đội bị thủng lưới nhiều nhất (41 bàn, trung bình 2,28 bàn/trận, chỉ 1 trận duy nhất không thủng lưới là chiến thắng 2-0 trước Nam Định), có thành tích sân khách tệ nhất (chỉ đến trận chia tay mới có chiến thắng duy nhất khi chủ nhà Hải Phòng gần như “mở cửa” khung thành).

Điều gì khiến một CLB 3 năm trước xưng vương và mới năm rồi còn vào chung kết Cúp QG, lại rơi theo chiều thẳng đứng như thế? Xứ Quảng không giàu nhưng với sự “chống lưng” của “bầu” Hiển, đội bóng không bận tâm về tài chính. Lực lượng cũng hơn hẳn nhiều đội. Đội trưởng Đinh Thanh Trung là “Quả bóng vàng” năm 2017, Huy Hùng là nhà vô địch AFF Cup 2018, thủ môn Phạm Văn Cường, tiền đạo Hà Minh Tuấn, Quốc Chí từng được HLV Park gọi lên đội tuyển quốc gia. Những ngoại binh: Rodrigo, Kebe, Pinto không tồi, thậm chí là ao ước của SLNA, Thanh Hóa… Vậy thì vì đâu? Chấn thương thì đội nào chẳng gặp phải.

Vấn đề có lẽ ở việc lãnh đạo CLB bị ru ngủ bởi ánh hào quang vô địch và sự tự ngộ nhận rằng đội bóng có “thế lực vô hình” che chở nên không thể rớt hạng, bất chấp ngay 2 mùa sau khi lên ngôi họ đã sa vào cuộc chiến trụ hạng. Tư tưởng này nhiễm vào cả cầu thủ, lực lượng đã già cỗi lại thêm chủ quan, công thần nên cứ đủng đỉnh cho đến khi nước đã ngập tới tận cổ. Về dụng nhân, đội bóng xứ Quảng mắc 3 sai lầm lớn. Trước hết là việc không giữ trung vệ Thiago và tiền đạo Hoàng Vũ Samson, rồi sau đó để cho HLV Vũ Hồng Việt ra đi sau vòng 7 (thay bằng HLV Đào Quang Hùng, người chỉ có kinh nghiệm làm trợ lý và chưa từng cầm quân ở V.League, thay vì phải là một nhà cầm quân bản lĩnh, giàu kinh nghiệm bởi khi ấy đội bóng đã lần đầu tiên rơi xuống đáy bảng). Đó là 3 công thần giúp CLB Quảng Nam thoát hiểm mùa trước.

Ngoài ra, so với các đối thủ trực tiếp trong cuộc đua trụ hạng, CLB Quảng Nam không có được điểm tựa tinh thần vô giá từ biển người và văn hóa cổ động cuồng nhiệt như “chảo lửa” Thiên Trường, Lạch Tray, Thanh Hóa. Người dân xứ Quảng hẳn cũng hâm mộ, yêu đội bóng, nhưng đây không phải là vùng đất của truyền thống bóng đá. Trong tình thế “thập tử nhất sinh” của đội nhà rất cần sự hỗ trợ sức mạnh tinh thần, thế mà trận “chung kết” với Nam Định, sân Tam Kỳ nguôi lạnh, trống huơ trống hoác, chỉ có hơn 3 ngàn khán giả lọt thỏm trong sức chứa gần 17 ngàn chỗ ngồi. Ở ngày phán quyết, nếu hàng ngàn cổ động viên theo chân Nam Định nhuộm vàng sân Vinh, thì trên khán đài sân Lạch Tray (Hải Phòng) chỉ lèo tèo vài chiếc áo xanh phất cờ Quảng Nam. Nếu đội bóng của ông Nguyễn Húp bao năm qua sống dựa vào túi tiền và sự hà hơi tiếp sức của “ông bầu”, thì Nam Định là đội bóng của nhân dân, mỗi người một chút gom góp mà thành và luôn phải tự thân vận động. Đội bóng nào xứng đáng ở lại V.League hơn?

Lãnh đạo CLB Quảng Nam khẳng định sẽ giữ chân được các trụ cột và cam kết mọi chế độ lót tay, lương thưởng sẽ không có gì thay đổi, nhưng đường trở lại sân chơi đỉnh cao hoàn toàn không dễ dàng. Bởi Giải hạng Nhất mùa tới, các CLB Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phố Hiến quyết tâm làm lại, chưa kể có thể sẽ xuất hiện thêm 2 đội bóng giàu tham vọng là Công an nhân dân và Phú Thọ.

Đông Kha

Tin xem nhiều