Kể từ năm 2013, cứ sau 3 mùa giải việc mua bản quyền truyền hình (BQTH) Giải Ngoại hạng Anh lại là cuộc chiến nóng bỏng, ồn ào giữa các "ông lớn" truyền hình trả tiền ở Việt Nam.
Kể từ năm 2013, cứ sau 3 mùa giải việc mua bản quyền truyền hình (BQTH) Giải Ngoại hạng Anh lại là cuộc chiến nóng bỏng, ồn ào giữa các “ông lớn” truyền hình trả tiền ở Việt Nam. K+ (VTV vốn 51% và Canal+ của Pháp 49%) thắng cuộc sở hữu BQTH Premier League 9 mùa liên tiếp với giá không ngừng tăng cao: từ năm 2013-2016 là 33,5 triệu USD, từ năm 2016-2019: 40 triệu USD và gói 2019-2022 hiện tại không dưới con số 1 ngàn tỷ đồng cho 380 trận đấu, tức hơn 2,63 tỷ đồng/trận.
Với bóng đá chuyên nghiệp bản quyền truyền hình là nguồn thu chủ yếu |
Không thể so sánh V.League với giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh nhưng có một điều phải suy nghĩ, vì sao K+ phải bằng mọi giá mua BQTH Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam? Vì đó là vấn đề sống còn, nếu không có là… chết! Vậy một câu hỏi tiếp theo đặt ra, theo danh sách của Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử đến tháng 7-2020, cả nước có 35 nhà cung cấp truyền hình trả tiền, trong đó VTVCab, SCTV, K+, MyTV, FPT, Viettel, HTVC, Hanoicab là những “ông lớn”; vì sao không đài nào có suy nghĩ ấy đối với BQTH V.League? Hoàn toàn không hề có cạnh tranh do không có V.League nhà đài cũng không chết, bởi 2 yếu tố: không thuê bao truyền hình nào chọn nhà cung cấp chỉ vì để xem bóng đá nội và không thu hút được quảng cáo. Dù chỉ trả BQTH cả 3 giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam với giá bèo bọt 2 tỷ đồng/năm (chưa bằng… 1 trận Ngoại hạng Anh) nhưng Next Media cho biết đến thời điểm này vẫn chưa có lợi nhuận.
Một sản phẩm ế ẩm có 2 nguyên nhân, trước hết là chất lượng và sau đó là cách tiếp thị đưa nó đến tay người tiêu dùng. Chất lượng chuyên môn V.League không quá tệ, thậm chí diễn tiến 3 mùa giải gần đây còn kịch tính, hấp dẫn không thua kém Premier League. Tuy nhiên, nói đến bóng đá nội người ta chỉ nghe toàn chuyện tiêu cực từ đội bóng, cầu thủ, trọng tài đến cách điều hành, sân bãi… Rõ ràng, mối quan hệ và công tác truyền thông, tiếp thị, “đóng gói bao bì” V.League của VPF và VFF quá kém.
Với bóng đá chuyên nghiệp, BQTH là nguồn thu chủ yếu, lớn nhất. Trong doanh thu 4,2 tỷ USD mùa giải vừa rồi của UEFA có tới 85,8% thuộc về BQTH. Chính vì vậy mà dù giữa đại dịch Covid-19, không khán giả, 2 Cúp châu Âu và Premier League, Bundesliga, La Liga đều phải đi nốt mùa giải mà không có CLB, cầu thủ nào từ chối bởi đó là hầu bao của chính mình.
BQTH là “con gà đẻ trứng vàng” nhưng với V.League chỉ đẻ… trứng luộc! Vì không ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp gì nên các CLB Thanh Hóa, Quảng Nam mới đề nghị… nghỉ đá. Đến bao giờ V.League mới có thể bán được BQTH như một món hàng thiết yếu, mang lại lợi nhuận khiến các nhà đài phải đấu giá cạnh tranh chứ không phải là đổi chác thông qua quan hệ, trách nhiệm, bán như cho? Muốn vậy phải thay đổi rất nhiều, bên cạnh việc nâng cao chất lượng (trong đó có ngoại binh sao số) trước hết cần sự chăm chút về hình ảnh từ giải đấu đến từng CLB, phải thực sự chuyên nghiệp với tư duy coi bóng đá là một ngành công nghiệp.
Minh Chung