Với tinh thần chống dịch như chống giặc nhưng vẫn cần đảm bảo sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy kinh tế, bóng đá cũng có 2 mục tiêu kép. Đó là phải giữ an toàn sức khỏe cho cầu thủ, cộng đồng; đồng thời cần hoàn thành trọn vẹn mùa giải vì đội tuyển quốc gia; nghĩa vụ, chữ tín với các nhà tài trợ; bảo vệ thương quyền giải đấu và phục vụ khán giả, dù chỉ qua truyền hình.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc nhưng vẫn cần đảm bảo sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy kinh tế, bóng đá cũng có 2 mục tiêu kép. Đó là phải giữ an toàn sức khỏe cho cầu thủ, cộng đồng; đồng thời cần hoàn thành trọn vẹn mùa giải vì đội tuyển quốc gia; nghĩa vụ, chữ tín với các nhà tài trợ; bảo vệ thương quyền giải đấu và phục vụ khán giả, dù chỉ qua truyền hình.
CLB Sài Gòn đang dẫn đầu trên bảng xếp hạng. Ảnh: VPF |
* Chưa đủ 80 phút không thể công nhận kết quả
Một trận đấu nếu vì lý do bất khả kháng (thời tiết, thiên tai, mất điện) diễn ra chưa được 2/3 thời gian phải dừng thì kết quả không được bảo lưu, 2 đội phải đá lại. Chính vì thế, khi mùa giải chưa đi được nửa chặng đường không thể công nhận, trao luôn các danh hiệu như đề xuất của một số CLB.
Ngay đội đang dẫn đầu V.League là Sài Gòn với thành tích 11 trận bất bại, giới chuyên môn cho rằng nếu trao chức vô địch cho họ vào lúc này là khiên cưỡng. Bởi khoảng cách giữa họ với các đội bám đuổi là không xa, chặng đường còn lại còn dài và giai đoạn 2 mới là quyết định phân tài cao thấp. Thậm chí, thầy trò HLV Vũ Tiến Thành có thể bị soán ngôi ngay khi kết thúc giai đoạn 1 khi 2 vòng cuối họ có đến 2 trận “chung kết” với đối thủ đang chỉ kém mình cùng 4 điểm là Viettel và Than QN. Do vậy trao cúp bây giờ, không chỉ Viettel, Than QN mà chắc chắn các CLB: Hà Nội, TP.HCM, HAGL, B.Bình Dương đều sẽ bất phục, phản đối.
Ai cũng hiểu đề xuất này của nhóm đội muốn sớm nghỉ chơi là nhằm tranh thủ phiếu ủng hộ cho mục đích chính là dừng giải mà không có kẻ xuống hạng. Thể thức mới khiến V.League minh bạch hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ có nhiều đội đối mặt với vòng xoáy trụ hạng đến vậy, trong đó có cả những CLB giàu truyền thống như: SLNA, Hải Phòng, Thanh Hóa và cựu vương Quảng Nam. Chỉ cần không lọt vào tốp 8 lên chuyến tàu ngược, số phậm hẩm hiu có thể gọi bất kỳ đội nào. Mà một khi rớt hạng, ghế và bổng lộc của các lãnh đạo CLB sẽ đi theo.
Do đó “sáng kiến” này vừa vô lý vừa lộ liễu đến… buồn cười!
* Không còn bức bách về thời gian
Theo tính toán của VPF, do sân cỏ nội phải hoàn thành hạ màn trước ngày 31-10 nên nếu 3 giải chuyên nghiệp phải lùi đến cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 mới trở lại được thì sẽ "vỡ trận" do không đủ thời gian để đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho 2 chiến dịch quan trọng vào 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, nay AFF Cup gần như chắc chắn sẽ được hoãn đến sang năm, còn vòng loại World Cup 2022 cũng chưa chắc có thể nối lại vào đầu tháng 10 và 11, các nhà tổ chức không còn phải đứng trước sức ép về hạn định. V.League hoàn toàn có thể kéo dài thêm 2 tháng, đến hết năm.
Vấn đề là VFF, VPF và các CLB phải ngồi lại để có giải pháp dung hòa quyền lợi giữa giải đấu và các thành viên tham dự trên tinh thần vì lợi ích chung. Không lý gì 4/5 giải đấu hàng đầu châu Âu vẫn hoàn thành, đi đến đích trong bối cảnh dịch Covid-19 thực sự là đại dịch ở Anh, Italy, Đức, Tây Ban Nha, mà Việt Nam với mức độ ít nghiêm trọng hơn nhiều và đã có kinh nghiệm phòng chống, kiểm soát được cả thế giới ngưỡng mộ lại đầu hàng, bỏ cuộc.
Như chỉ đạo của Thủ tướng mới đây: Chống dịch Covid-19 không chủ quan, nhưng không hoang mang, dao động!
Đông Kha