Đây là nhân vật cực "hot" trong những ngày qua, chỉ cần lên Google gõ "bầu Đệ" cho ra 10,7 triệu kết quả tìm kiếm (!)
Đây là nhân vật cực “hot” trong những ngày qua, chỉ cần lên Google gõ “bầu Đệ” cho ra 10,7 triệu kết quả tìm kiếm (!)
Sau 24 giờ từ khi dọa rút khỏi V.League, bầu Đệ rút quyết định này |
Không như những ông bầu đến với bóng đá vì đam mê như “bầu” Thắng, “bầu” Đức, “bầu” Hiển…, hay vì thú chơi nhất thời để lấy tiếng như “bầu” Trường (Vissai Ninh Bình), “bầu” Thụy (Sài Gòn Xuân Thành); “bầu” Đệ chẳng mặn mà gì với bóng đá, chẳng qua là vì nghĩa vụ với tỉnh.
Năm nay 67 tuổi, ông Nguyễn Văn Đệ vốn xuất thân là cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát bảo vệ, hậu cần của Công an tỉnh Thanh Hóa. 39 tuổi, ông rời ngành, từng tâm sự xác định: “Không theo con đường chính trị thì phải làm kinh tế”. Với 16 năm lái xe trong quá trình công tác, ông Đệ vào Nam buôn bán đường dài: gạo, trái cây, phân đạm… Nhưng cơ đồ chỉ bắt đầu vào năm 1996, khi ông thành lập và làm Chủ nhiệm HTX Vận tải Hợp Lực.
Năm 2003, ông mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn, nhưng mới xây được 3 tầng thì với chính sách xã hội hóa y tế chuyển hướng sang xây bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực ở Thanh Hóa hiện nay của ông Đệ là tòa nhà 17 tầng trên diện tích 10 ngàn m2, có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có Trường trung cấp Y dược Hợp Lực, Công viên Nghĩa trang Phúc Lạc Viên, Đài hóa thân hoàn vũ Phúc Lạc Viên… Chính ông Đệ là người tích cực vận động thành lập Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam và được bầu làm chủ tịch đầu tiên.
Thăng hạng vào mùa giải 2007 nhưng đội bóng Thanh Hóa phải liên tục “đổi tên”, từ (bia) Halida đến Xi măng Công Thanh rồi Lam Sơn Thanh Hóa và luôn lận đận. Mùa giải 2009, CLB Thanh Hóa rớt hạng, sau đó nhờ “mua” suất của Thể Công mới tiếp tục tồn tại ở V.League. Không tìm đâu ra nhà tài trợ, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị ông Nguyễn Văn Đệ, khi ấy là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp quản đội bóng. Ông đã giữ chức chủ tịch CLB trong 5 năm (2011-2015), trước khi đội Thanh Hóa được chuyển giao cho Tập đoàn FLC. Gọi “bầu” Đệ là có phần không chính xác, bởi ông không phải là ông chủ bỏ tiền túi gây dựng, nuôi đội bóng như “bầu” Đức, “bầu” Hiển, mà với tư cách Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh chỉ là người tập hợp, kêu gọi các doanh nghiệp chung tay đóng góp cùng với ngân sách của tỉnh, thiếu bao nhiêu ông chủ tịch mới hỗ trợ.
Công bằng mà nói, trong triều đại đầu tiên ông Đệ làm chủ tịch, CLB Thanh Hóa không còn nỗi lo chạy ăn từng bữa và xuống hạng, thậm chí ở 2 mùa 2014, 2015 còn giành danh hiệu hạng 3. Tuy nhiên, ông mang tiếng thị phi là ông bầu “đồng bóng”, bất chấp các quy chuẩn, luật lệ và thích can thiệp chuyên môn. Trước công văn gây scandal mới đây, ông Đệ đã từng 4 lần dọa bỏ giải. Ông từng gọi VPF là “mafia”, nhưng im lặng khi bị “bầu” Kiên (Phó chủ tịch VPF nhiệm kỳ I) bóc mẽ hối lộ trọng tài 100 triệu đồng. Còn nhớ ở buổi lễ tổng kết V.League 2012, ông Đệ sửng cồ đến tía tai mặt mũi, chỉ mặt “bầu” Đức (khi ấy là Phó chủ tịch VPF) trên ghế chủ tọa, thiếu điều kêu nhau ra ngoài “tay đôi”, vì “bầu” Đức nói ông này “phát biểu 10 thì sai hết 8” và “Thanh Hóa không muốn chơi thì rút”.
Sau 4 năm từ giã bóng đá, ngày ông Đệ quay lại, một tờ báo rút tít: “Bầu Đệ trở lại: Tốt cho xứ Thanh, nhưng có tốt cho... V.League?”. Đó như lời tiên đoán.
Trần Đỗ