Vậy là "nguyện vọng" ai về nhà nấy, sớm kết thúc luôn mùa giải của một số CLB "thấp cổ" nhưng… "to miệng" đã thất bại khi VFF và VPF vẫn quyết tâm đi đến đích.
Vậy là “nguyện vọng” ai về nhà nấy, sớm kết thúc luôn mùa giải của một số CLB “thấp cổ” nhưng… “to miệng” đã thất bại khi VFF và VPF vẫn quyết tâm đi đến đích. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú khẳng định: V.League sẽ tiếp tục khi điều kiện cho phép, chỉ kết thúc trong trường hợp bất khả kháng. Bởi, nếu dừng mà lý do không chính đáng VPF sẽ chịu những hệ lụy lớn, không chỉ phải đền bù các hợp đồng tài trợ mà còn mất uy tín với các đối tác, khó khăn cho sau này. Ngoài ra, không thi đấu sẽ ảnh hưởng đến phong độ cầu thủ và việc tuyển chọn lực lượng của đội tuyển quốc gia. Thậm chí, trường hợp nếu sau 2 tuần nữa tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn diễn biến phức tạp, VFF và VPF đã tính đến phương án đưa 2 CLB này đến một địa điểm trung gian để cách ly và thi đấu khi giải đấu có thể trở lại.
V.League tiếp tục diễn ra khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép |
Quan điểm trên là đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi Covid-19 xuất hiện trở lại ở 2 tỉnh miền Trung: bình tĩnh, không được hoảng hốt, hoang mang.
Thế mà thật đáng ngạc nhiên, chỉ 2 ngày sau khi có ca dương tính đầu tiên trong cộng đồng xuất hiện ở Đà Nẵng sau 99 ngày bình yên, Chủ tịch CLB Quảng Nam “mớm lời” cho báo chí “dừng luôn đi”! Sau đó, với sự hưởng ứng của các CLB Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Nam cùng với SLNA có văn bản đề nghị: Kết thúc V.League tại vòng 11 và trao chức vô địch cùng danh hiệu nhì, ba cho 3 đội đứng đầu hiện tại nhưng… không có đội xuống hạng.
Dễ hiểu 4 anh “bàn lui” này đều đang đối mặt nguy cơ đá “chung kết ngược”. Trong đó, CLB Quảng Nam đang đội sổ và là ứng cử viên rớt hạng số 1. SLNA thì 6 vòng gần nhất thua 5, hòa 1, để thủng lưới 13 bàn, xếp 11/14 và không còn quyền tự quyết. CLB Nam Định cũng đã chính thức lên chuyến tàu ngược, còn Thanh Hóa chưa có gì an toàn. Ngoài việc hy vọng sẽ có thêm sự ủng hộ của 3 lá phiếu từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Hải Phòng và cả SHB.Đà Nẵng - các đội đang trong tốp 6… từ dưới lên, đội bóng xứ Nghệ và xứ Quảng còn tranh thủ lôi kéo sự ủng hộ của 3 CLB Sài Gòn, Viettel, Than QN khi dừng giải họ sẽ thủ lợi. Vậy là đa số thắng thiểu số.
Nhưng tại sao trao các danh hiệu mà không công nhận kết quả xuống hạng thì không trả lời được?
Không chỉ vậy, để “lấy lòng” các đội hạng Nhất, các CLB này cũng rất… “rộng rãi” đề nghị cho cả 2 đội dẫn đầu Giải hạng Nhất sau 9 vòng (Bà Rịa - Vũng Tàu và Phố Hiến) được thăng hạng, V.League mùa sau sẽ có…16 đội (!?) và tất nhiên cũng không có đội xuống hạng Nhì. Nhưng lập tức, đội đang đứng hạng 3 S.Khánh Hòa kịch liệt phản đối.
Phe “bàn lui” còn viện dẫn “một số quốc gia trên thế giới cũng cho dừng giải đấu”, nhưng sao không lấy ví dụ 3/4 giải đấu hàng đầu châu Âu và sắp tới là Champions League, Europa League vẫn thi đấu dù chấp nhận không khán giả; hay ở Đông Nam Á, Thai League, M-League… vẫn chờ từng ngày trở lại. Đó là những quốc gia mà dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Dừng luôn giải đấu là lựa chọn dễ nhất nhưng đó là sự bàn lui chẳng khác nào chấp nhận đầu hàng trước dịch Covid-19. Điều đó đi ngược với yêu cầu của Thủ tướng phải quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh thành công, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Minh Chung