Theo PVF, phương thức thi đấu 2 giai đoạn được chọn ngoài việc đảm bảo thời gian kết thúc các giải đấu vào ngày 31-10 để đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ, còn có các ưu điểm: không phải "dồn toa" có thể thi đấu với mật độ 1 tuần/trận, đảm bảo thời gian hồi phục và hạn chế chấn thương cho cầu thủ.
Theo PVF, phương thức thi đấu 2 giai đoạn được chọn ngoài việc đảm bảo thời gian kết thúc các giải đấu vào ngày 31-10 để đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ (nếu thi đấu vòng tròn 2 lượt cần tối thiểu 145 ngày mới có thể kết thúc mùa giải đúng hạn), còn có các ưu điểm: không phải “dồn toa” có thể thi đấu với mật độ 1 tuần/trận, đảm bảo thời gian hồi phục và hạn chế chấn thương cho cầu thủ. Với phương án này, một CLB ở V.League đá nhiều nhất sẽ là 20 trận (8 đội nhóm trên ở giai đoạn 1) và ít nhất 18 trận (6 đội nhóm dưới), so với 26 trận nếu thi đấu vòng tròn 2 lượt. Do đó, sẽ có thời gian nghỉ giữa giai đoạn để các CLB thay đổi, bổ sung lực lượng và chuẩn bị cho giai đoạn 2 quyết định. Ngoài ra, có quỹ thời gian dự trữ cho 2 CLB TP.HCM, Than QN thi đấu ở AFC Cup khi giải đấu trở lại từ tháng 7 và điều chỉnh lịch đấu khi xảy ra sự cố bất thường như thiên tai, mưa bão…
Trong điều kiện quỹ thời gian hạn hẹp bởi đại dịch Covid-19 phương thức thi đấu này cũng hứa hẹn giải đấu sẽ mới mẻ và hấp dẫn hơn, nhất là cuộc chiến quyết định ở giai đoạn 2.
Tuy vậy, nó cũng ẩn chứa nhiều yếu tố hạn chế về mặt kỹ thuật của giải đấu. Do cả 2 giai đoạn chỉ thi đấu vòng tròn 1 lượt theo lịch đấu đã bốc thăm lượt đi V.League nên số trận được chơi trên sân nhà giữa các đội không như nhau. Cụ thể, có 7 đội được thi đấu 7 trận trên sân nhà là: Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Than QN, Viettel và TP.HCM; trong khi 7 đội còn lại chỉ có 6 trận (HAGL, Hà Nội, Hà Tĩnh, B.Bình Dương, Sài Gòn, SLNA, và SHB.Đà Nẵng). Ngay cả bằng nhau cũng không thể công bằng vì còn tùy thuộc vào đối thủ gặp là mạnh hay yếu (ví dụ Nam Định sẽ muốn gặp tân binh Hà Tĩnh tại Thiên Trường, tận dụng lợi thế sân nhà để chắc lấy 3 điểm hơn là tiếp ĐKVĐ Hà Nội).
Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, ở giai đoạn 2, những đội xếp hạng cao hơn sẽ được ưu tiên đá trên sân nhà nhiều hơn. Nhưng nhiều hơn là bao nhiêu trận và dựa trên căn cứ nào để xếp trận được chơi trên sân nhà, còn đội xếp hạng 8 giai đoạn 1 vào giai đoạn 2 chẳng lẽ phải làm khách cho cả 7 đối thủ xếp trên mình? Đây là vấn đề VFF và VPF phải tính sao cho hợp lý nhất.
Tuy nhiên, kẽ hở lớn nhất là khi một CLB đã sớm đủ điểm trong tốp 8 để đi tiếp vào giai đoạn 2 sẽ thi đấu cầm chừng, thậm chí không loại trừ khả năng nhường điểm để “kéo” người anh em nào đó lên nhóm A cùng mình. Ngược lại, ở giai đoạn 2 của nhóm B, vì về đích thứ 9 hay 13 cũng như nhau nên nếu một CLB đã đủ điểm an toàn hoàn toàn có thể dang tay cứu giúp những cánh hẫu hoặc cùng nhau “đánh hội đồng” để dìm một đội nào đó. Nguy cơ này là hoàn toàn có thể khi chỉ có 1 suất xuống hạng và 3 điểm ở một vòng đấu chỉ có 5 trận sẽ làm thay đổi kết quả rất lớn so với giải đấu có 26 trận - giá trị gấp 5 lần trên lý thuyết.
Đông Kha