Báo Đồng Nai điện tử
En

Trông người mà ngẫm đến ta

10:04, 15/04/2020

Việc thay đổi thời gian thi đấu của mùa giải không chỉ là giải pháp tình thế đối phó với dịch bệnh mà là chiến lược đã được bóng đá Thái Lan tính toán, nay điều kiện khách quan vô tình giúp nó được thực hiện sớm hơn mà thôi. Trong khi đó VFF, VPF chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, mùa nào lo mùa ấy, cứ giải về đích an toàn là thành công.

Việc thay đổi thời gian thi đấu của mùa giải không chỉ là giải pháp tình thế đối phó với dịch bệnh mà là chiến lược đã được bóng đá Thái Lan tính toán, nay điều kiện khách quan vô tình giúp nó được thực hiện sớm hơn mà thôi. Trong khi đó VFF, VPF chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, mùa nào lo mùa ấy, cứ giải về đích an toàn là thành công.

Những người làm bóng đá Việt Nam có suy nghĩ vì sao Toyota chỉ tài trợ cho V.League  đúng một mùa năm 2007 với số tiền 40 tỷ đồng rồi từ biệt, nhưng lại gia hạn thêm 4 năm hợp đồng với Thai League với giá trị khoảng 20 triệu USD (hơn 466 tỷ đồng, 116,5 tỷ đồng/năm, gấp gần 3 lần so với V.League)?

Nhờ Covid-19, khi FAT công bố những con số thiệt hại có thể xảy ra, người ta mới biết chỉ tính riêng tiền bán vé và đồ lưu niệm của các CLB đang chơi ở 2 hạng đấu cao nhất Thái Lan đã lên tới hơn 5,1 triệu USD (gần 120 tỷ đồng). Còn ở V.League, Nam Định là CLB có cổ động viên đến sân nhiều nhất cũng chỉ được 4 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ việc bán đồ lưu niệm đến nay vẫn là khái niệm quá xa lạ với các đội bóng Việt Nam.

Sự khác biệt tiêu biểu nhất cho thấy tính chuyên nghiệp giữa 2 nền bóng đá là giá trị bản quyền truyền hình. Ngoài nguồn thu chính từ các nhà tài trợ riêng, các CLB của Thái Lan được chia đến 90% tiền bản quyền truyền hình từ True Vision. Dự tính năm nay mỗi CLB ở Thai League 1 được nhận 15 tỷ đồng/mùa, còn
Thai League 2 (như Giải hạng Nhất Việt Nam) là gần 4 tỷ đồng/mùa. Bản quyền phát sóng trực tiếp của Thai League được đấu giá và FAT vừa đưa ra mức giá cho bản quyền 8 năm, bắt đầu từ năm 2021 trở đi, lên tới 13 tỷ baht (tương đương gần 400 triệu USD, khoảng 9,5 ngàn tỷ đồng).

Đây là con số quá khủng khiếp đối với V.League. Bởi để các trận đấu được lên sóng trực tiếp, VPF phải đổi bản quyền truyền hình lấy quảng cáo, tức không nhận được một đồng tiền mặt nào từ các nhà đài.

Đó là lý do vì sao các CLB ở xứ Chùa Vàng có nguồn thu cao để đầu tư sân bãi, chiêu mộ ngoại binh chất lượng trị giá hàng triệu USD (như để có Đặng Văn Lâm, Muangthong United phải trả hơn nửa triệu USD tiền chuyển nhượng và mức lương 10 ngàn USD/tháng), qua đó nâng chất lượng giải đấu.

Học tập và đi theo mô hình Giải Ngoại hạng Anh, Thai League được tổ chức bài bản về tiếp thị, quảng bá hình ảnh, thu hút khán giả. Vấn đề với V.League không phải là thiếu tiền mà thiếu tầm nhìn và những con người biết làm “bóng đá - thị trường”. Quãng lặng hiện tại là cơ hội để VFF, VPF “trông người, ngẫm ta” và suy nghĩ làm sao để V.League trở lại là giải đấu hấp dẫn hàng đầu khu vực như hơn 1 thập niên trước.

Đông Kha

Tin xem nhiều