Phương án đề xuất của VPF để tránh dịch Covid-19 V.League thi đấu tập trung tại khu vực miền Bắc không phải không có lý vì ở đây chiếm đến 8/14 đội, nhưng khiến người hâm mộ bóng tròn miền Nam, nhất là ĐBSCL, bỗng chạnh lòng nhớ thời vàng son quá vãng.
Phương án đề xuất của VPF để tránh dịch Covid-19 V.League thi đấu tập trung tại khu vực miền Bắc không phải không có lý vì ở đây chiếm đến 8/14 đội, nhưng khiến người hâm mộ bóng tròn miền Nam, nhất là ĐBSCL, bỗng chạnh lòng nhớ thời vàng son quá vãng.
V.League 2020 đang trông chờ một phương án chủ động để bắt nhịp ngay sau khi dịch Covid-19 lắng xuống (ảnh minh họa) |
Giải VĐQG năm 2019 là lần đầu tiên sau 9 năm liền không có đội bóng Nam bộ nào rớt hạng. Đơn giản bởi…, chẳng còn sót lại đại diện miền Tây nào(!). Từ V.League 2009 (ngoại trừ mùa giải 2013 không có đội xuống hạng), mỗi năm “bảng phong thần” đều điền tên các CLB ở miền Nam, lần lượt là: TP.HCM, ĐTLA, Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, rồi lại Đồng Tháp, Long An và cuối cùng với Cần Thơ ở mùa giải 2018, lần đầu tiên trong lịch sử V.League sạch bóng bóng đá ĐBSCL.
Ở Giải vô địch bóng đá toàn quốc đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, Giải A1 năm 1980, có đến 10/18 đội miền Nam. Ngoài 4 đại diện của TP.HCM là Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công nghiệp thực phẩm, Sở Công nghiệp; có 4 đội bóng của miền Đông và Tây Nam bộ: Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp. Đến mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên mang tên V.League 2004 vẫn có 4/12 CLB: ĐTLA, B.Bình Dương, Đồng Tháp, Ngân hàng Đông Á. Thậm chí, có giai đoạn ĐBSCL có đến 5 đội góp mặt ở V.League mà thời hoàng kim là 2 chức vô địch của Đồng Tháp (năm 1989 và 1996) và ĐTLA (năm 2005 và 2006, cùng 3 chức á quân).
Nhưng tất cả đều nối nhau rơi rụng dần để bây giờ chỉ còn TP.HCM, Sài Gòn, B.Bình Dương, trong đó CLB Sài Gòn thực chất là thoát thai từ Hà Nội B. Nguyên nhân thì rất nhiều, có nói cả ngày không hết, trong đó không có lời giải là bài toán kinh phí, cho dù đây là khu vực năng động nhất, là vựa lúa gạo nuôi sống cả nước.
Đông Kha