Với việc giải đấu hoãn vô thời hạn, nhiều khả năng tất cả các đội V.League trong những ngày tới sẽ lần lượt giải tán, cho cầu thủ về nhà... tự tập luyện.
Với việc giải đấu hoãn vô thời hạn, nhiều khả năng tất cả các đội V.League trong những ngày tới sẽ lần lượt giải tán, cho cầu thủ về nhà... tự tập luyện.
Có cơ ngơi riêng, nằm cách xa TP Pleiku nên cầu thủ HAGL khá thoải mái trong sinh hoạt và tập luyện hằng ngày |
Thực tế, với các CLB đã “xả trại” từ sau vòng 2 V.League vào đầu tháng 3 như Hà Nội, TP.HCM, Than QN và mới đây là Viettel đang rất “đau đầu”, lúng túng về việc làm sao “quản” việc duy trì thể lực của cầu thủ. Cách “tự tập luyện” ở nhà của cầu thủ chỉ là... tập thể dục, chạy bộ hay chơi bóng “ma”... Điều đó không thể duy trì nền tảng thể lực, dễ gặp phải chấn thương khi trở lại, bởi với VĐV chuyên nghiệp phải đảm bảo khối lượng vận động trong một ngày như: chạy 30-45 phút, các bài tập cho cơ ngực, cơ bụng, cơ hoành...
Trong thời 4.0 hiện nay, đặc biệt giới bóng banh rất rành livestream, lên mạng, tại sao học sinh tiểu học có thể học trực tuyến được mà cầu thủ lại không tập qua hình thức online? Cách làm của Bayern Munich hoàn toàn có thể được các CLB ở Việt Nam áp dụng. Hàng ngày, đúng giờ các cầu thủ vào mạng để tập luyện dưới sự hướng dẫn, theo dõi trực tiếp bởi HLV thể lực từ trụ sở của CLB. Mỗi buổi tập được tiến hành rất nghiêm túc, kéo dài 75-90 phút, với các rèn luyện sức khỏe cường độ cao. Ngoài ra, thông qua thiết bị đồng hồ thể thao thông minh trên màn hình, Ban huấn luyện có thể theo dõi trực tiếp những dữ liệu quan trọng của cầu thủ như nhịp tim. Không chỉ vậy, các buổi tập online trực tiếp như thế này còn giúp các cầu thủ có dịp hằng ngày gặp gỡ, liên lạc với nhau nên không khí luôn vui vẻ. Thậm chí, sau khi buổi tập kết thúc, các cầu thủ còn nán lại thoải mái nói chuyện với nhau. Đây thực sự là biện pháp hiệu quả duy trì sự kết nối, tính đồng đội trong thời gian “mỗi người một nơi” chờ dịch Covid-19 qua đi.
Phương Duy