Do Thai League chuyển sang thi đấu từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, đội tuyển quốc gia xứ Chùa Vàng để ngỏ khả năng tham dự AFF Cup 2020 vì cuối năm là thời điểm Giải VĐQG vào giai đoạn quan trọng, các CLB sẽ không "nhả" quân.
Do Thai League chuyển sang thi đấu từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, đội tuyển quốc gia xứ Chùa Vàng để ngỏ khả năng tham dự AFF Cup 2020 vì cuối năm là thời điểm Giải VĐQG vào giai đoạn quan trọng, các CLB sẽ không “nhả” quân.
Thái Lan cân nhắc việc dự AFF Cup 2020 |
Việc đội tuyển giàu thành tích nhất với kỷ lục 5 lần vô địch giải đấu chỉ mang đội hình B hay U.23 phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nhưng không hề làm suy giảm sức hấp dẫn của AFF Cup với khán giả trong khu vực. Thậm chí, còn tạo động lực cạnh tranh lớn hơn cho đội tuyển các quốc gia còn lại.
Điều đó đã được chứng minh trong quá khứ khi người Thái đã có 3 lần, vì nhiều lý do, không thể mang tới giải đấu hàng đầu khu vực những cầu thủ tốt nhất. Đó là tại Tiger Cup 1998 ở Việt Nam. Là nhà vô địch đầu tiên 2 năm trước tại Singapore nhưng do dồn sức tập trung cho Asiad 13 vào cuối năm trên sân nhà, đội tuyển Thái Lan chỉ mang sang Việt Nam đội hình B không có bộ ba Kiatisak - Dusit - Tawan, còn chân sút “khủng” sinh trưởng ở Pháp Natipong vừa giải nghệ. Kết quả, Thái Lan và Indonesia làm nên trận cầu tai tiếng trên sân Thống Nhất, TP.HCM khi đội nào cũng muốn… thua để tránh gặp Việt Nam. Cuối cùng, Thái Lan “buộc” phải thắng 3-2, ra Hà Nội chơi trận bán kết và thua thảm Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Việt Hoàng, Văn Sỹ Hùng 0-3, rồi thất bại luôn trong cuộc tái đấu với Inonesia ở trận tranh hạng 3, ra về trắng tay. Giải đấu ghi nhận nhà vô địch thứ 2, Singapore, sau khi thắng chủ nhà Việt Nam 1-0 bằng cái lưng của trung vệ Sasi Kumar ở trận chung kết.
Thỏa mãn, chủ quan sau 2 chức vô địch vào các năm 2000 và 2002, đội tuyển xứ Chùa Vàng mang đến Tiger Cup 2004 với chỉ 3 cầu thủ trên 23 tuổi. Một mình tiền vệ Chaiman không đủ gánh vác cả đội, không chỉ không bảo vệ được ngôi vô địch mà đây còn là kỳ AFF Cup đầu tiên mà Thái Lan bị loại ngay từ vòng bảng, sau khi chỉ hòa Myanmar 1-1, thua Malaysia 1-2 (chỉ thắng Đông Timor 8-0 và Philippines 3-1). Năm ấy, Singapore - Indonesia vào chung kết và đảo quốc sư tử biển có lần thứ 2 lên ngôi.
Gần đây nhất, AFF Cup 2 năm trước, Thái Lan cũng không có lực lượng mạnh nhất nhưng là lý do bất khả kháng bởi 4 trụ cột: Chanathip, Teerasil Dangda, Bunmathan cùng thủ môn Kawin đang thi đấu tại Nhật Bản và Bỉ, các CLB chủ quản không đồng ý “nhả” người. Kết quả như đã biết, “Voi chiến” của HLV người Serbia Rajevac dừng bước tức tưởi ở bán kết trước Malaysia bởi luật bàn thắng trên sân đối phương. Sau tròn 1 thập kỷ, Việt Nam lần thứ 2 xưng vương.
Ngoài ra, trong lịch sử 12 kỳ AFF Cup đến nay, Thái Lan còn có lần thứ 2 phải xách va li về nước sớm sau vòng bảng là vào năm 2010. Dù mang đến Indonesia toàn sao như: Teerasil Dangda, Thonglao, Sukha, Suchao, Winothai…, lại được dẫn dắt bởi HLV lừng lẫy người Anh Bryan Robson, nhưng tuyển Thái không thắng nổi cả Lào (hòa 2-2), Malaysia (0-0) và thua Indonesia 1-2.
Đã phần nào mất ngôi vị số 1 Đông Nam Á về tay Việt Nam nên dù Thái Lan B hay U.23 thì AFF Cup 2020 “không mợ chợ vẫn đông”. Tuy nhiên có một điều chắc chắn, nếu thất bại trong việc giành vé đi tiếp vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 (Thái Lan hiện chỉ xếp thứ 3 bảng G, kém Việt Nam 3 điểm và Malaysia 1 điểm), người Thái sẽ dốc toàn lực cho giải đấu khu vực vào cuối năm để cứu vãn danh dự, cho dù có phải dừng Thai League.
Phương Duy