Sau khi thông tin Công Phượng nhận lương 120 triệu đồng/tháng ở TP.HCM, nhiều bạn đọc hỏi chúng tôi cầu thủ "giàu" vậy sao?
Sau khi thông tin Công Phượng nhận lương 120 triệu đồng/tháng ở TP.HCM, nhiều bạn đọc hỏi chúng tôi cầu thủ “giàu” vậy sao? Thật ra, đây chỉ là trường hợp đặc biệt. Sở dĩ lương Công Phượng cao như vậy vì CLB TP.HCM phải trả anh mức lương tương đương bản hợp đồng đã ký kết với Sint-Truiden (con số này chỉ là tối thiểu so với mặt bằng sinh hoạt ở châu Âu). Khi kết thúc hợp đồng mượn, giả dụ Công Phượng có tiếp tục ở lại TP.HCM hay trở về HAGL, chắc chắn mức lương sẽ phải giảm theo mặt bằng thu nhập tại Việt Nam.
Công Phượng nhận mức lương được cho là cao nhất lịch sử V.League với một cầu thủ nội |
9 năm trước, ở mùa giải 2001, Lê Công Vinh “bẻ kèo” Hà Nội T&T của “bầu” Hiển để đến Hà Nội của “bầu” Kiên với bản hợp đồng kỷ lục: 13 tỷ đồng lót tay cho 3 năm và lương 80 triệu đồng/tháng (ngoài ra còn khoản thuởng cho mỗi trận đấu).
Tuy nhiên, như đã nói đây chỉ là vài trường hợp đặc biệt. Thực tế, có sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa các cầu thủ ngôi sao với những cầu thủ chất lượng trung bình (chiếm đại bộ phận). Với các nền bóng đá hàng đầu châu Âu, sự chênh lệch này còn khủng khiếp hơn. Do đó, việc các CLB cắt giảm lương do dịch bệnh Covid-19 với cùng một tỷ lệ % là sự bất công lớn, bởi với Messi, Ronaldo chỉ là chuyện “nhà giàu đứt tay” nhưng với một bộ phận cầu thủ là “ăn mày đổ ruột”.
Trở lại với làng cầu Việt, hiện có 8/14 đội V.League chưa hoặc không tính đến việc cắt giảm lương cầu thủ, nhưng xuất phát từ 2 lý do hoàn toàn trái ngược nhau. Với các đội bóng “nhà giàu” được chống lưng bởi các đại gia thì điều này chẳng bõ bèn gì. “Bầu” Hiển bỏ ra mỗi năm khoảng 100-120 tỷ đồng nuôi CLB Hà Nội hay Tập đoàn Viettel với những bản hợp đồng “bom tấn”, trả lương Quế Ngọc Hải 50 triệu đồng/tháng, thì thiệt hại do vài tháng không thi đấu chẳng thấm tháp vào đâu. Hay như B.Bình Dương không giảm lương để cầu thủ của mình có những đóng góp với cộng đồng.
Ngược lại, với các CLB “con nhà nghèo”, vốn đã phải “thắt lưng buộc bụng”, cầu thủ thu nhập khiêm tốn thì nay phải giảm lương nữa thì sống bằng gì? 2/3 cầu thủ SLNA nhận lương rất thấp, bình quân chỉ 8-10 triệu đồng/tháng, chỉ số ít trụ cột là cao nhưng so với các đội khác không là gì, như Phan Văn Đức được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tương tự, SHB.Đà Nẵng đã qua rồi thời “đại gia”, cầu thủ trẻ lên đội 1 được tăng từ hơn 2 triệu đồng lên 7-8 triệu đồng/tháng, đội hình chính thức bình quân 10-20 triệu đồng, cá biệt tiền đạo Đức Chinh mới đây được tăng lương lên 25 triệu đồng/tháng. Nên “có giảm cũng không tiết kiệm được là bao mà lại khiến anh em tâm tư, ngưng đá, cầu thủ đã giảm thu nhập vì mất thưởng rồi (có thể còn cao hơn lương cứng), nay còn trừ lương họ nữa thì quá khó khăn”.
Thôi thì đồng lòng cắn răng chịu đựng qua hết đận… mắc dịch này!
Trần Đỗ