Cuộc họp online giữa VPF và 13/14 CLB V.League (HAGL không tham gia) hôm 31-3 chưa có lối ra nào cụ thể cũng như quyết định nào được đưa ra, nhưng đã đạt được một số thống nhất trên quan điểm.
Cuộc họp online giữa VPF và 13/14 CLB V.League (HAGL không tham gia) hôm 31-3 chưa có lối ra nào cụ thể cũng như quyết định nào được đưa ra, nhưng đã đạt được một số thống nhất trên quan điểm.
Cuộc họp online giữa VPF và 13/14 CLB V.League chưa chốt được phương án tổ chức phần còn lại của mùa giải 2020 |
Đó là không tính đến chuyện hủy mùa giải. Người duy nhất đưa ra ý kiến này trước đây là ông Nguyễn Húp, Chủ tịch điều hành CLB Quảng Nam, đã không còn đề cập. Hơn nữa, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết, trong hợp đồng với nhà tài trợ nếu giải không thể tổ chức thì phải chứng minh được đó là điều bất khả kháng.
Thứ hai, quan trọng nhất, tất cả các CLB đều chỉ đồng ý đá lại khi tình hình dịch Covid-19 đã an toàn và Chính phủ cho phép. Điều này có nghĩa trái bóng chưa thể hẹn ngày tái lăn.
Trên cơ sở ấy, đi vào chi tiết có thể xảy ra các kịch bản sau cho V.League. Lý tưởng nhất là, nếu giải có thể trở lại sớm (muộn nhất là đầu tháng 6) trong điều kiện dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, đời sống xã hội trở lại bình thường, thì không có gì thay đổi.
Nếu dịch chỉ lui bước, vẫn còn nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn phải hạn chế di chuyển, tụ tập đông người, thì giải sẽ đá trong sân không khán giả như 2 vòng đầu tiên ở nửa đầu tháng 3, đồng thời thi đấu tập trung tại khu vực miền Bắc (ngoài 6 đội ban đầu là Hà Nội, Viettel, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Than QN, SLNA, tại cuộc họp có thêm 2 CLB miền Nam là TP.HCM và Sài Gòn đồng ý phương án này, nâng tổng số lên 8/14 đội, như vậy là quá bán). Nhưng theo chúng tôi, trong điều kiện như vậy, trước mắt để các đội trong cùng khu vực địa lý thi đấu với nhau trước cả lượt đi và lượt về. Với 3 đội ở mỗi khu vực phía Nam và miền Trung, V.League có thể tranh thủ đá được thêm 6 vòng đấu, khi ấy dịch bệnh có thể đã được khống chế hoàn toàn.
Tuy nhiên, không có ý kiến nào đề cập đến khả năng xấu nhất, nếu đến tận tháng 7, 8, thậm chí muộn hơn mới có thể đá thì sao? Trong trường hợp này, VFF, VPF phải tính đến những phương án “chữa cháy”. Nếu quỹ thời gian không còn để thi đấu 24 vòng còn lại ngay cả “dồn toa” (V.League 2020 phải kết thúc muộn nhất vào cuối tháng 9 để đội tuyển quốc gia tập trung chuẩn bị cho trận đấu với Malaysia tại vòng loại World Cup 2022 vào ngày 13-10) thì hoặc chỉ thi đấu một lượt, hoặc phải thay bằng thể thức khác (chia bảng) để rút ngắn thời gian. Khi ấy tính chất Giải VĐQG (vòng tròn 2 lượt, sân nhà sân đối phương) sẽ không còn nguyên ý nghĩa, vấn đề có đội xuống hạng hay không như đề xuất của 4 CLB: SLNA, SHB.Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Nam Định sẽ được đặt ra. Một phương án khác, ít xáo trộn hơn và vẫn đảm bảo sự toàn vẹn của mùa giải là thi đấu vắt qua 2 năm, V.League 2020 trở thành 2020-2021 như 2 giải VĐQG chuyên nghiệp đầu tiên 2000-2001, 2001-2002.
“Là một cổ đông của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), dự họp, nêu ý kiến là quyền lợi của cổ đông. Việc CLB HAGL không họp có nghĩa là đã từ chối quyền lợi của mình” - Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho hay. Điều này đồng nghĩa HAGL phải tuân thủ bất kỳ quyết định phương án nào của VPF được số đông các CLB tán thành thông qua. Nếu không có thể bỏ cuộc, chấp nhận xuống hạng. |
Đông Kha