Có thể cảm nhận sự bức bí của không chỉ cầu thủ, HLV mà cả lãnh đạo các CLB ở V.League và hạng Nhất khi phải trong chế độ chờ… dịch bệnh đi qua.
Có thể cảm nhận sự bức bí của không chỉ cầu thủ, HLV mà cả lãnh đạo các CLB ở V.League và hạng Nhất khi phải trong chế độ chờ… dịch bệnh đi qua. Chính vì vậy, không như 2 lần dự kiến trước của PVF gặp nhiều phản đối, thời điểm ngày 15-5 để bóng lăn trở lại được hầu hết CLB tán đồng cho là… vừa vặn (tất nhiên với điều kiện cơ quan có thẩm quyền cho phép). Bởi với quyết định giãn cách xã hội thay đổi sau ngày 22-4, các đội sẽ có được ít nhất 3 tuần chuẩn bị. 10 trận đấu của vòng sơ loại Cúp QG sẽ như cuộc chạy đà, cữ dượt để bước vào V.League và Giải hạng Nhất sau đó. Quan trọng nhất là nếu có thể sớm trở lại, lịch đá, thể thức thi đấu sẽ được giữ nguyên, không phải xáo trộn.
Đặc biệt, với đại bộ phận cầu thủ không phải là tuyển thủ quốc gia thì sau hơn 4 tháng không thi đấu kể từ mùa giải 2019 kết thúc và mùa bóng 2020 mới đá 2 trận lại phải nghỉ, không khỏi “cuồng chân”: “Nói gì thì nói phải được thi đấu, còn tập chay không thì động lực không nhiều. Lúc này, chỉ hy vọng dịch bệnh mau được kiểm soát để giải đấu có thể sớm trở lại bình thường”.
Với 6 CLB bị cắt giảm lương vì không thi đấu càng mong ngóng từng ngày. Như CLB TP.HCM sau khi giảm 30% lương trong tháng 4, nếu tháng 5 thi đấu các cầu thủ sẽ không phải tiếp tục bị trừ 40% lương như đã định. Nhà ĐKVĐ thì đón tin vui khi các trụ cột như Thành Chung, Văn Kiên đã kịp bình phục chấn thương. Với trường hợp tương lai của Đoàn Văn Hậu, tuần tới CLB Hà Nội sẽ có cuộc đàm phán với CLB Hà Lan Heerenveen.
Trường Xuyên