Đội tuyển U.23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam trong nhiệm kỳ 2 năm đầu tiên của HLV Park Hang-seo đã phải thi đấu 5 trận trong thời gian 120 phút (riêng tại vòng chung kết U.23 châu Á 2018 là cả 3 trận ở vòng knock-out).
Đội tuyển U.23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam trong nhiệm kỳ 2 năm đầu tiên của HLV Park Hang-seo đã phải thi đấu 5 trận trong thời gian 120 phút (riêng tại vòng chung kết U.23 châu Á 2018 là cả 3 trận ở vòng knock-out). Và 4/5 trận đấu phải bước vào hiệp phụ này các cầu thủ của chúng ta là người giành chiến thắng. Còn nhìn lại tất cả hơn 60 trận ông Park lèo lái đến nay, số trận mà các đội tuyển nhận bàn thua ở 20 phút cuối chỉ là 18%.
Cầu thủ Việt Nam gây kinh ngạc về thể lực dưới thời HLV Park Hang-seo |
Bí quyết ở đây là nhà cầm quân người Hàn Quốc yêu cầu các cầu thủ sau khi đá 90 phút phải tập thêm 30 phút nữa. “Thường sau mốc phút 70 rất dễ bị thủng lưới vì sự xuống sức. Phải mô phỏng thực tế một trận đấu mà cầu thủ phải vận động tối đa 120 phút và muốn vượt được ngưỡng ấy để đẩy thể lực của họ cao hơn để đá 120 phút thì phải tập 150 phút. Con số 30 phút kéo dài thêm ấy có ý nghĩa rất quan trọng” - ông Park giải thích.
Cùng ở Đông Á nhưng bóng đá Hàn Quốc còn chú trọng yếu tố thể lực hơn cả Nhật Bản, vậy tại sao việc nhồi thể lực của HLV Park Hang-seo lại không gặp phải những phản ứng như người tiền nhiệm Miura? Vấn đề là ở phương pháp, cách tập. Bài tập mà ông Park và trợ lý Park Sung-gyun đưa ra trong vòng 120 phút được chia làm 2 nhóm cho 2 giai đoạn. 60 phút đầu là thả lỏng, căng cơ, sau đó trong 1 tiếng còn lại cường độ tập luyện được đẩy lên cao độ. Mỗi bài tập diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 15-20 giây nhưng các cầu thủ phải sử dụng tối đa sức lực của mình. Quãng nghỉ giữa những bài tập còn ngắn hơn, chỉ khoảng 1-2 giây. Điều này buộc các cầu thủ phải tính toán phân phối sức của mình. Đó là cách tập sức bền yếm khí hay còn gọi là sức bền tốc độ. Càng nắm bắt thuần thục, sự phân phối sức trong từng tình huống của các cầu thủ sẽ càng hợp lý hơn.
Với bóng đá hiện đại, tập thể lực không có nghĩa là chạy, chạy và chạy (như đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Anh Tuấn kéo nhau ra bãi biển Nha Trang để chuẩn bị cho AFF Cup 2012 - bị loại ngay vòng bảng). Bóng đá không phải môn thể thao chạy bền mà là những quãng vận động với cường độ cao, trong đó các cầu thủ phải biết điều tiết sức mình phù hợp. Giữa 2 cầu thủ có tốc độ ngang nhau thì ai có sức bền tốt hơn sẽ là người chiến thắng đoạt bóng. Bóng đá hiện đại với việc liên tục pressing và thoát pressing quãng vận động này càng liên tục đòi hỏi sức bền tốc độ càng lớn. Người ta thấy các đội tuyển Việt Nam của HLV Park biết phân phối sức hợp lý hơn, dù phải thi đấu 120 phút, nhờ phương pháp tập luyện như vậy.
Một yếu tố quan trọng khác là các cầu thủ buộc phải tập trong phòng gym để phát triển cơ bắp, bởi khoa học thể thao đã chỉ ra sức bền tốc độ sử dụng đường trong máu, đường trong cơ. Cơ càng to, lượng dự trữ đường càng nhiều. Do đó, cầu thủ cần phải tập các bài liên quan đến nhóm cơ, nhất là cơ ngực và bụng. Lồng ngực càng to, dung nạp oxy lớn, thải hồi carbonic càng cao, khả năng hô hấp càng lớn. Còn cơ bụng liên quan đến co bóp thu nạp oxy từ bên ngoài.
Đáng tiếc dường như không mấy HLV trong nước chịu khó tìm hiểu, học hỏi các buổi tập của người đồng nghiệp ở đội tuyển. Ngay HLV thể lực, vốn có vai trò rất quan trọng, hiện có mấy CLB V.League quan tâm?
Trường Xuyên