Báo Đồng Nai điện tử
En

Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic... hoãn 1 năm

10:03, 25/03/2020

Đúng như nhận định của chúng tôi trong số báo ngày 25-3, cuối cùng Olympic Tokyo 2020 buộc phải hoãn. Quyết định này được đưa ra chỉ 48 giờ sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đưa ra thời hạn 4 tuần để xem xét.

Đúng như nhận định của chúng tôi trong số báo ngày 25-3, cuối cùng Olympic Tokyo 2020 buộc phải hoãn. Quyết định này được đưa ra chỉ 48 giờ sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đưa ra thời hạn 4 tuần để xem xét. Thời hạn hoãn, theo Chủ tịch IOC là không muộn hơn mùa hè năm 2021. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 124 năm của phong trào Olympic, Thế vận hội bị hoãn (3 kỳ Berlin 1916, Helsinki 1940 và London 1944 là hủy bỏ hẳn vì 2 cuộc đại chiến thế giới) và sẽ diễn ra vào năm lẻ.

Như một lời nguyền đeo đẳng, chu kỳ 40 năm vận hạn của Olympic lần thứ 3 lặp lại. Olympic 1940 lỡ hẹn giờ chót bởi thế chiến thứ 2 bùng nổ, Moskva 1980 không trọn vẹn bởi Mỹ và 64 nước tẩy chay do chiến tranh lạnh lên đến đỉnh điểm, và giờ đến Tokyo 2020.

Với Nhật Bản, mối lương duyên cùng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới xem ra cũng quá truân chuyên. Lẽ ra có vinh dự là quốc gia châu Á đầu tiên đăng cai Thế vận hội vào năm 1940 nhưng 2 năm trước đó, IOC đã tước quyền chủ nhà của đất nước mặt trời mọc vì cuộc chiến tranh Trung - Nhật. Nay là thành phố đầu tiên ở châu Á có lần thứ 2 tổ chức Thế vận hội mùa hè sau Olympic 1964 (ngày 7-9-2013, Tokyo đã vượt qua Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ và Madrid của Tây Ban Nha để giành quyền đăng cai), nhưng công sức chuẩn bị suốt 7 năm qua lại đứng trước thách thức lớn bởi đại dịch toàn cầu Covid-19

Dù Olympic 2020 không hủy, tránh được thiệt hại không dưới 40 tỷ USD, trong đó hơn 12 tỷ USD là đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ (riêng sân vận động quốc gia mới Tokyo Olympic Stadium có kinh phí xây dựng 1,43 tỷ USD), nhưng với việc trì hoãn ước tính nước chủ nhà cũng mất khoảng 6 tỷ USD. Cùng với hàng chục ngàn phòng khách sạn đã đặt bị hủy bỏ (dự tính đón đến 40 triệu lượt du khách), Nhật Bản phải đối mặt với việc giải quyết một núi công việc phức tạp phát sinh để sắp xếp lại từ lịch thi đấu của 33 môn thể thao đến vô số công tác hậu cần.

“Làng Olympic” rộng 44ha, với sức chứa 18 ngàn VĐV theo kế hoạch sau Olympic sẽ trở thành 5 ngàn căn hộ được cho thuê hoặc bán với giá gần 1 triệu USD/căn. Đã có 35 ngàn người hỏi mua và rất nhiều trường hợp đã ký kết hợp đồng, nay để lùi lại thời gian giao nhà đến 1 năm phải đàm phán, bồi thường. 43 địa điểm thi đấu cũng là vấn đề nan giải khi không ít chỉ là công trình xây dựng tạm thời hoặc tái sử dụng và một số đã ký hợp đồng tổ chức các sự kiện văn hóa khác vào năm 2021.

Với IOC, một vấn đề đặt ra, đó là cũng như EURO kỳ Thế vận hội thứ 32 sẽ gọi là Olympic 2020 hay 2021 và Thế vận hội lần thứ 33 tại Paris sẽ vẫn diễn ra vào năm 2024 để trở về với truyền thống năm chẵn hay dời sang 2025 theo chu kỳ 4 năm?

Đông Kha

Tin xem nhiều