Châu Âu trở thành tâm chấn dịch, lần đầu tiên mới giữa tháng 3 mà cuối tuần sân cỏ cả lục địa già vắng lặng như tờ, không bóng đá.
Châu Âu trở thành tâm chấn dịch, lần đầu tiên mới giữa tháng 3 mà cuối tuần sân cỏ cả lục địa già vắng lặng như tờ, không bóng đá.
Với việc phải thi đấu không khán giả, rồi hoãn vô thời hạn, thậm chí có thể hủy giải các CLB đứng trước nguy cơ thiệt hại tài chính nặng nề. Giải ngoại hạng Anh những mùa gần đây, lượng vé trung bình mỗi trận bán ra vào khoảng 38-39 ngàn vé, còn Bundesliga năm nào cũng vượt qua mốc 40 ngàn vé, chiếm 14% doanh thu của CLB.
Với Serie A, tiền vé dù chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu của các đội nhưng Juventus là một trong tốp 10 đội bóng hàng đầu có thu nhập từ tiền bán vé cao nhất, với trung bình mỗi trận khoảng 1,7 triệu euro/mùa. “Bà đầm già” vẫn còn 7 trận trên sân nhà ở mùa này, nếu tất cả bị hủy hoặc phải đóng cửa sân với CĐV “hầu bao” sẽ “thủng” khoảng 12 triệu euro. Đó là chưa kể các khoản thu nhập liên quan đến việc tổ chức trận đấu như: dịch vụ, ăn uống...
Với Champions League và Europa League các trận đấu có giá vé cao hơn, việc không có khán giả khiến các CLB thất thu trung bình từ 5-7 triệu euro/trận ở Cúp châu Âu. Không chỉ vậy, do sự hoành hành của dịch Covid-19, giá trị vốn hóa của Man United trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm tới hơn nửa tỷ bảng (khoảng 14.500 tỷ đồng) chỉ trong vòng 3 tuần qua, từ 3,02 tỷ bảng hiện chỉ còn khoảng 2,5 tỷ bảng.
Đây thực sự là cơn “ác mộng” với thế giới bóng đá nói như cựu danh thủ Anh Gary Lineker: “Điều chưa từng có trong đời chúng ta”.
Trung Dũng